Doanh nghiệp bia, rượu tìm hướng đi mới

Sức mua giảm vì người dân thắt chặt chi tiêu sau đại dịch Covid-19 và quy định cấm lái xe khi trong máu có nồng độ cồn khiến nhiều doanh nghiệp bia, rượu rơi vào chu kỳ suy thoái, buộc phải tái cấu trúc hoạt động.

Lợi nhuận chạm đáy

Quý IV/2023, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) ghi nhận doanh thu 8.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 967 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Công ty trong 2 năm qua.

Luỹ kế cả năm 2023, Sabeco ghi nhận suy giảm 13% doanh thu (đạt 30.461 tỷ đồng) và 21% lợi nhuận sau thuế (đạt 4.118 tỷ đồng). So với kế hoạch, doanh nghiệp đầu ngành bia Việt Nam chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu doanh thu và 74% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó, quý cuối năm 2023, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) đạt 2.246 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%; lãi sau thuế 64 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, nhờ nỗ lực tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 29% so với năm 2022. Ngoại trừ năm 2021 – ngành bia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, lợi nhuận của Habeco năm 2023 là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua, dù vượt 5% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương (mã chứng khoán HAD) đạt doanh thu quý IV/2023 gần 27 tỷ đồng, tăng 16%, song vẫn báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi. Luỹ kế cả năm 2023, Công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm 2022.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) lỗ hơn 4 tỷ đồng trong quý IV/2023, nâng số lỗ cả năm 2023 lên gần 10 tỷ đồng. Như vậy, Halico thua lỗ 8 năm liên tiếp, số lỗ luỹ kế hiện tại là 457 tỷ đồng.

Trong báo cáo giải trình biến động giảm lợi nhuận năm 2023, lãnh đạo Sabeco cho biết, sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng và kinh tế trong nước suy giảm cùng với chính sách hạn chế sử dụng rượu, bia khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thực tế, đây cũng là những nguyên nhân chính khiến các hãng bia, rượu khác gặp khó khăn.

Trước đó, trong năm 2019, thị trường sản xuất – kinh doanh bia, rượu đón nhận hai tác động chính sách lớn. Một là, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (ban hành ngày 14/6/2019), với một trong những hành vi bị cấm là “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Hai là, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có quy định xử phạt người lái xe (xe đạp, xe máy, ô tô) với các mức phạt nghiêm khắc (phạt tiền và tước giấy phép lái xe có thời hạn) khi có nồng độ cồn từ nhỏ hơn 0,25 miligram/1 lít khí thở (hoặc 50 miligram/100 ml máu) cho đến mức lớn hơn 0,4 miligram/1 lít khí thở (hoặc 10 miligram/100 ml máu).

Ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp (chủ yếu trong ngành bia, rượu) rơi vào giai đoạn sa sút kinh doanh. Điển hình là Sabeco, doanh nghiệp chiếm gần 40% thị phần ngành bia năm 2019, ghi nhận lợi nhuận âm trong hai quý đầu năm 2020, tính chung cả năm 2020 giảm 26,2% doanh thu và 8,1% lợi nhuận sau thuế. Tương tự, Habeco giảm 20,1% doanh thu và 25,4% lợi nhuận trong năm đầu tiên áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo Bộ Công thương, tác động kép của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP khiến toàn ngành đồ uống Việt Nam từ chỗ đóng góp cho ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, bỗng giảm tới 16% doanh thu, thị trường tiêu thụ giảm 20 – 30% trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam nhận xét, ngành công nghiệp đồ uống có cồn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Doanh số bán bia giảm 20 – 20%, trong khi giá nguyên vật liệu tăng đến 50% so với năm 2019.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV diễn ra hồi tháng 11/2023, Bộ Công an đã trình dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó đề xuất cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đề xuất này được cho là kế thừa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được ban hành năm 2019, trong bối cảnh khoảng 20% các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam có liên quan đến rượu, bia.

Nỗ lực vượt khó

Dữ liệu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, tổng doanh thu năm 2023 của nhóm doanh nghiệp bia, rượu niêm yết giảm còn hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022; tổng lợi nhuận sau thuế giảm 23%, xuống gần 5.100 tỷ đồng.

Để chặn đà suy giảm, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bia, rượu buộc phải tái cấu trúc hoạt động để thích ứng với biến động thị trường. Trong năm 2023, mặc dù doanh thu giảm nhưng Habeco vẫn mạnh tay tăng chi khoản chiết khấu thương mại tới 13%, tương đương giá trị 143 tỷ đồng. Đây là khoản hoa hồng/giảm giá ưu tiên cho khách hàng mua với số lượng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh cắt giảm chi phí, tiền chi cho quảng cáo, khuyến mãi cả năm là 580 tỷ đồng, giảm 17%.

Sabeco cũng cải tổ nhiều hoạt động và “thắt lưng buộc bụng” để giảm chi phí hoạt động, bao gồm chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 cho hay, chi phí quảng cáo, khuyến mãi là 2.814 tỷ đồng, giảm 254 tỷ đồng so với năm 2022.

Cùng với lực cầu yếu do người dân hạn chế chi tiêu, thị trường bia tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch nhu cầu khách hàng từ phân khúc cận cao cấp xuống phổ thông, đây là cơ hội cho những hãng bia nội có sản phẩm bình dân thu hẹp khoảng cách lợi nhuận với doanh nghiệp bia ngoại hoặc doanh nghiệp nội ở phân khúc cao hơn.

Theo BVSC, nhờ sở hữu một số sản phẩm bình dân như Lager, Export, 333, Lạc Việt…, Sabeco ghi nhận sự suy giảm doanh số ít hơn Heineken, khi đối thủ phụ thuộc nhiều vào thương hiệu Tiger thuộc phân khúc cận cao cấp.

Việc chuyển hướng kinh doanh từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) được nhiều hãng bia áp dụng. Chẳng hạn, Sabeco bắt đầu cung cấp sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử (ví dụ Shopee Mall) vào tháng 11/2023. Habeco đặt cửa hàng bán lẻ bia trên sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee, giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu mua về nhà sử dụng.

Gần đây, một số hãng cung cấp bia không cồn như bia Sagota của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây Việt Nam (Sabibeco), kỳ vọng mang lại xu thế tiêu dùng mới. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm bia không cồn đến từ nguồn nhập ngoại như bia không cồn Heineken, bia Suntory All Free, bia Asahi Dry Zero.

Mặc dù ngành đồ uống có cồn ở Việt Nam có triển vọng dài hạn, do có lượng người tiêu dùng trẻ và năng động, hành vi tiêu dùng chưa thể chuyển ngay từ đồ uống có cồn sang các sản phẩm thay thế như rượu không cồn, bia không cồn…, song khó khăn trước mắt có thể gia tăng.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trong đó có quy định nồng độ cồn bằng 0) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV diễn ra vào giữa năm 2024.

Bên cạnh đó, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn càng gặp khó. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, mức thuế tiêu thụ đặc biệt nên tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm bia, nhằm hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân và điều tiết tăng thu ngân sách nhà nước.