Lối đi nào cho ngành bia?

Dự báo ngành bia, rượu vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024 do sức mua sụt giảm, chuyên gia đề xuất nên lùi thời hạn tăng thuế và có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

 

Ngành bia trong năm 2024 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nam Khánh.

Theo Euromonitor, năm 2010, tổng sản lượng bia tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỷ lít. Với dân số Việt Nam tại thời điểm đó ước tính khoảng 88,5 triệu người, bình quân mỗi người Việt năm 2010 đã uống khoảng 27,1 lít bia.

Đến năm 2022 – tức sau hơn một thập kỷ – mức tiêu thụ bia của Việt Nam đã đạt 3,8 tỷ lít, xếp thứ 9 thế giới. Việt Nam cũng trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành bia trong nước đã phải chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có. Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cùng xu hướng thắt chặt chi tiêu không thiết yếu đã khiến các doanh nghiệp, nhà máy bia, đồ uống có cồn “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu.

Sức mua chưa có tín hiệu cải thiện

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

“Chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia”, chuyên gia phân tích tại FNS đánh giá.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của ngành bia trong năm 2024. Bởi theo đơn vị phân tích này, mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu tác động kép từ Nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm trong năm nay.

SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia tại đất nước tỷ dân đã chững lại đáng kể.

“Do đó, các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại”, SSI Research nhận định.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện nay đều hoạt động với công suất dưới 80% so với trước đại dịch Covid-19.

“Từ đầu năm 2020, ngành đồ uống Việt Nam liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của các chính sách hạn chế đồ uống có cồn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến nguyên liệu đầu vào tăng cao”, bà cho biết.

Trong khi đó, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sử dụng bia rượu sụt giảm, kéo theo doanh thu của các doanh nghiệp, nhà máy giảm mạnh… “Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bao khó khăn, khó trụ nổi trước những gánh nặng liên tiếp trong 3 năm gần đây”.

Đánh giá về ngành đồ uống, đặc biệt là bia, rượu, Phó chủ tịch VBA cho rằng ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Đây là ngành huy động nhiều nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và tham gia đóng góp ngân sách mỗi năm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Gỡ khó về thuế cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn bủa vây, theo lãnh đạo VBA, một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đồ uống chính là các loại thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Cần tiếp tục lùi thời hạn tăng thuế, chưa nên điều chỉnh tăng thuế tại thời điểm này mà cần giữ ổn định chính sách thuế cho ngành đồ uống, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất bia, rượu”, bà Vân Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng để khắc phục khó khăn và phát huy nguồn lực nội tại, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, phục hồi và phát triển sản xuất.

“Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm…”, bà Vân Anh đánh giá.

Ngoài ra, theo lãnh đạo VBA, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các chính sách nên tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp phục hồi, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Những thách thức phía trước sẽ nhiều hơn, khắc nghiệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp càng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thành sứ mệnh nâng tầm vị thế của mình. Bên cạnh đó, ngành đồ uống vẫn hy vọng và lạc quan về sự phục hồi và phát triển với sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới”, bà chia sẻ.

Mới đây, Chính phủ cũng đã cơ bản thống nhất nội dung đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính, trong đó chưa bổ sung nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia…