Sáu lý do dẫn đến rủi ro cho nông dân

Sáu lý do dẫn đến rủi ro cho nông dânSáu lý do dẫn đến rủi ro cho nông dân

Sáu lý do dẫn đến rủi ro cho nông dân

(TBKTSG) – “Mỗi trái dưa là một tấm lòng”, một bài hát kêu gọi hành động từ thiện được cải biên thành lời cổ động người tiêu dùng mua dưa hấu giúp đỡ người nông dân gặp lũ bất ngờ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Câu chuyện về lòng hảo tâm đáng lẽ có một cái kết đẹp cho đến khi người trong cuộc nhận ra lượng cầu trong nước không thể đáp ứng nổi lượng cung dưa hấu lớn đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Sẽ càng bất lực hơn khi nhìn lại các mặt hàng hoa quả tươi khác. Xoài, thanh long, chuối, vải… cũng gặp tình trạng tương tự trong nhiều năm qua, khi đến kỳ thu hoạch.

Cung không đến được cầu luôn khiến cho người nông dân Việt gánh chịu rủi ro lớn, bất kể được mùa hay mất mùa. Đấy là loại bất trắc mới, ngoài những yếu tố tất nhiên như thời tiết và sâu bệnh, mà người nông dân buộc phải đối mặt trong nền kinh tế thị trường. Nông sản không bán được, thường xuyên phải đổ đi, không chỉ là biểu hiện lãng phí nguồn lực sản xuất mà còn cho thấy những bất cập sâu xa hơn của một nền nông nghiệp manh mún.

Những nguyên nhân dẫn đến rủi ro dưới đây gợi ý những khía cạnh cần được khắc phục đối với nền nông nghiệp nước nhà.

Thứ nhất, người nông dân Việt đa phần sản xuất mà chưa xác định được nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng sản phẩm. Do dễ thuê được đất sản xuất và tiếp thu kỹ thuật từ người đi trước nhưng lại thiếu thông tin tin cậy về nhu cầu, người nông dân Việt có xu hướng sản xuất tự phát, theo phong trào. Sản lượng lớn cùng chủng loại làm tăng tính cạnh tranh trực tiếp giữa những người nông dân; chất lượng không đồng đều khiến cho người mua có thiện cảm không tốt với sản phẩm. Hàng trăm xe dưa hấu tập kết tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) không thông quan được nhiều ngày một phần vì thương lái Trung Quốc chỉ chọn những xe quả tươi nào không chảy nước, do nghi ngờ nông dân sử dụng mánh khoé để tăng trọng lượng.

Nông sản không bán được, thường xuyên phải đổ đi, không chỉ là biểu hiện lãng phí nguồn lực sản xuất mà còn cho thấy những bất cập sâu xa hơn của một nền nông nghiệp manh mún.

Thứ hai, nguồn cầu thiếu ổn định. Hàng hóa rau quả của Việt Nam bị phụ thuộc vào thị trường chính là Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc là thị trường được xem là dễ tính trong việc chấp nhận hàng hóa nông sản của Việt Nam, tuy nhiên thị trường này có rất nhiều rủi ro. Các thương lái của Trung Quốc kinh doanh dưới hình thức tiểu ngạch, có thể ép giá sản phẩm trong điều kiện xuất khẩu ồ ạt vào chính vụ, dẫn đến sự thua thiệt của người nông dân sản xuất, thương lái và các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam. Bên cạnh đó, các mặt hàng quả chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong khi tại đây chỉ có khoảng 300-350 xe có thể được phía Trung Quốc tiếp nhận mỗi ngày. Với tốc độ chậm và hạn chế như vậy, dẫn đến tình trạng như hiện nay, hàng ngàn xe dưa hấu và thanh long vẫn xếp hàng dài chờ thông quan.

Để thoát ra khỏi rủi ro này, tìm kiếm thêm các thị trường khác là việc cần thúc đẩy và làm ngay, nhất là đối với các thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á. Đặc biệt, gần đây có những tín hiệu tốt đối với việc xuất khẩu sang Tây Á – khu vực có nhu cầu nhập khẩu rau quả rất lớn do dân số đông, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, giải pháp vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính hơn.

Thứ ba, người nông dân hầu như chưa gắn kết được với các hệ thống phân phối bán lẻ tiêu thụ sản phẩm trực tiếp mà chủ yếu thông qua thương lái. Giá cả và sản lượng không xác định trước thông qua hợp đồng chính ngạch, gây ra rủi ro về bất ổn trong thu nhập. Hợp đồng chính ngạch sẽ giúp tạo ra một dòng thu nhập ổn định hơn dù phải từ bỏ lợi nhuận gia tăng lúc sốt giá. Việc vay mượn phi chính thức từ nhà cung cấp vật tư như phân bón và giống càng tách người nông dân khỏi chuỗi giá trị. Tập quán sản xuất và tiêu thụ này khiến cho việc nắm bắt nhu cầu thị trường càng bất khả thi mà chịu thêm phần thiệt về giá.

Lý do thứ tư đó là kỹ thuật bảo quản sau chế biến rất thô sơ. Các loại quả tươi không giữ được chất lượng sau quãng đường dài di chuyển từ nơi sản xuất đến bàn ăn do khâu bảo quản đông lạnh để vận chuyển sản phẩm chưa được đầu tư. Ví dụ, mặt hàng dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam được bảo quản rất thô sơ, chỉ phủ rơm khi vận chuyển, dẫn đến không giữ được lâu và dễ bị ép giá.

Đồng thời, năng lực và chất lượng sản phẩm nông sản chế biến thấp, sản phẩm thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các cơ sở chế biến đang ở quy mô nhỏ và vừa, với nguồn lực hạn chế và mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật thấp. Điều này dẫn đến đòi hỏi phải có sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến với sự đầu tư tương xứng vào công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị hàng hóa.

Lý do thứ năm, các sản phẩm rau quả có tính chất thời vụ, lượng cung tăng đột biến trong chính vụ và khan hiếm khi trái vụ. Do chưa giải quyết được vấn đề thời vụ, giá cả thường lên xuống theo chu kỳ. Vì một lý do nào đó, giá một mặt hàng nông sản trong một vụ nào đó lên cao, nông dân sẽ lại ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mặt hàng này, dẫn đến lượng cung tăng đột biến trong những vụ sau, khiến cho hàng hóa không tiêu thụ được ngay cả khi bán với giá rẻ.

Cuối cùng, người nông dân thiếu các công cụ tài chính để bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, phòng ngừa rủi ro. Các hợp đồng bảo hiểm mùa vụ có thể giúp người sản xuất phòng ngừa rủi ro từ thiên tai và dịch bệnh, song dường như còn quá lạ lẫm với thông lệ sản xuất truyền thống. Nông dân và các hộ sản xuất thiếu kiến thức và dè dặt trong việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá. Bên cạnh công cụ tài chính, cũng có những công cụ khác để phòng tránh rủi ro nhưng khá hạn chế. Hình thức hợp đồng sản xuất dù không mới nhưng chưa thể tiếp cận những người sản xuất nhỏ. Việc vay mượn phi chính thức qua các nhà cung cấp vật tư như phân bón và giống từng khiến nông dân lỗ vì bán non và chịu lãi suất cao. Thị trường tài chính trong nước đã tiến những bước dài trong việc sáng tạo ra những cách thức mới để cung cấp tín dụng cho hộ nghèo, như hợp tác xã tín dụng, chương trình tín dụng vi mô. Không có lý gì khi chúng ta không có thêm những sáng kiến đưa các công cụ phòng trách rủi ro vào nông nghiệp, để hạn chế rủi ro cho người nông dân và tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Call Now Button