Với quy mô thị trường rộng lớn và có tiềm năng phát triển mạnh, thực phẩm halal đang nhận được quan tâm đặc biệt từ nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước thành viên ASEAN.
Thị trường rộng lớn toàn cầu
Theo báo cáo được công bố vào tháng 3 vừa qua trên trang ResearchAndMarkets.com, quy mô thị trường thực phẩm halal toàn cầu đã đạt 2.221,3 tỷ USD vào năm 2022. Thị trường thực phẩm halal được dự đoán đến năm 2028 sẽ đạt 4.177,3 tỷ USD.
Thực phẩm halal bao gồm thực phẩm và đồ uống được chuẩn bị nghiêm ngặt theo các quy tắc được nêu trong luật của đạo Hồi.
Động vật phải còn sống và khỏe mạnh tại thời điểm giết mổ, bên cạnh đó, tất cả máu được rút ra khỏi xác của chúng. Trong quá trình này, người Hồi giáo sẽ đọc shahada.
Hơn nữa, các sản phẩm thực phẩm halal phải được đóng gói và bảo quản trong dụng cụ đã được làm sạch theo hướng dẫn quy định. Rượu, máu động vật, thịt lợn, động vật chết trước khi giết mổ được coi là “haram” – không được phép tiêu thụ.
Trong vài năm qua, các mặt hàng thực phẩm halal đã trở nên phổ biến đối với cả người tiêu dùng Hồi giáo và không theo đạo Hồi bởi đảm bảo an toàn vệ sinh và độ tin cậy. Ví dụ, động vật phải trải qua hai lần kiểm tra sức khỏe trước khi bị giết mổ để trở thành thịt halal.
Việc không hiểu rõ về thực phẩm halal có thể khiến các công ty đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Lần đầu tiên ra mắt tại thị trường Indonesia, thương hiệu mì ăn liền Samyang của Hàn Quốc không ghi rõ ràng hàm lượng thịt lợn trên bao bì sản phẩm. Sự phẫn nộ của công chúng Indonesia khiến sản phẩm của Samyang bị rút khỏi các kệ hàng, ảnh hưởng đến tổng doanh thu của công ty cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Công ty này sau đó nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách ngay lập tức cải tiến công thức của mình và sản phẩm đã nhận được chứng nhận halal của chính quyền Indonesia.
Tiềm năng đối với ASEAN
Giáo sư dự bị Siti Noorbaiyah Abdul Malek tại Viện Công nghệ Singapore cho biết có nhiều yếu tố khiến thực phẩm halal phổ biến tại Đông Nam Á. Theo bà, trong số khoảng 630 triệu người dân ASEAN, có khoảng 50%-60% là người Hồi giáo. Ví dụ dân số Indonesia là 275 triệu người trong đó có khoảng 225 triệu người theo đạo Hồi. Tại Malaysia, miền Nam Thái Lan, Philippines, Singapore và Brunei cũng có cộng đồng người Hồi giáo.
Ngoài ra, dân số ASEAN khá trẻ, với khoảng 60% dưới 35 tuổi. Họ được kết nối toàn cầu thông qua internet. Ngay cả những người không theo đạo Hồi ở ASEAN cũng thực sự nhận thức rất rõ về halal.
Bà Siti Noorbaiyah Abdul Malek nhận định không nên chỉ nhìn vào thị trường Hồi giáo mà còn cần xem xét đến cả thị trường không theo đạo Hồi, đặc biệt là dân số trẻ, những người hiểu về thực phẩm halal và rất cởi mở với khái niệm này.
Bà cũng cho biết đã có nhiều hoạt động sản xuất thực phẩm halal tại Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Brunei trong khi chính phủ Philippines, Campuchia và Việt Nam cũng có các sáng kiến đối với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm halal. Bà còn đề cập rằng có đến 90% thực phẩm sản xuất tại Malaysia được chứng nhận halal.