Tăng cường quản lý, kiểm ra chất lượng rượu thủ công

Việc quản lý tốt sản xuất rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra các sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các nhà sản xuất rượu chính thức ở Việt Nam. Để có thêm thông tin nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý sản phẩm này, Phóng viên của Tạp chí đồ uống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết, hiện nay, sản phẩm rượu thủ công đang được quản lý và kiểm soát như thế nào? Đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sử dụng rượu thủ công gây nên hậu quả đáng tiếc như ngộ độc rượu, thậm chí là tử vong do sử dụng những sản phẩm rượu này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Hiện nay, rượu và các đồ uống có cồn nói chung được quản lý bởi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và còn nhiều luật khác từ năm 2000 đến nay. Ngoài ra, quản lý rượu được quy định cụ thể tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.

Ở Việt Nam, rượu thủ công đã có từ hàng ngàn năm, nhiều người dân nấu rượu và sử dụng rượu. Thời Pháp thuộc quy định cấm nấu rượu, sử dụng rượu rất chặt chẽ. Từ năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Pháp lệnh về nghiêm cấm sản xuất và kinh doanh rượu lậu. Tuy nhiên đến nay việc quản lý rượu chưa được chặt chẽ, vẫn để xảy ra các vụ ngộ độc từ rượu. Một trong những nguyên nhân chính là mặc dù đã có văn bản quy định nhưng việc thực thi văn bản ấy chưa chặt chẽ, khâu quản lý chưa được tốt. Dẫn tới một số nơi xảy ra tình trạng ngộ độc rượu, các văn bản quản lý chưa có tính khả thi cao.

PV: Chúng ta đã có rất nhiều các hội thảo, hội nghị bàn về việc quản lý các mặt hàng rượu, đặc biệt là rượu thủ công. Vậy theo ông khó khăn nhất trong việc quản lý các mặt hàng này là ở đâu?

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Việt: Trong quản lý rượu cần phải có sự phân công, kiểm tra chặt chẽ, quan tâm hơn thì các văn bản luật mới đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Với các sản phẩm là rượu hay cồn để sản xuất rượu đều có những quy định rõ ràng như dán tem và đóng thuế cho các sản phẩm đó. Nhưng trên thực tế như chúng tôi ghi nhận thì đa phần các sản phẩm rượu thủ công đều không chịu những mức thuế cao. Phải chăng với sự cạnh tranh không lành mạnh, lợi nhuận mà các doanh nghiệp sản xuất rượu thủ công đem lại đã dẫn đến tình trạng này?

Đúng vậy, hiện nay các quy định rất đầy đủ. Các doanh nghiệp sản xuất rượu bao gồm sản xuất rượu công nghiệp và sản xuất rượu thủ công đều phải có đăng ký, có giấy phép kinh doanh, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và nghiêm cấm sử dụng các loại nguyên liệu và cồn công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như cơ sở sản xuất thủ công không tuân thủ theo quy định, vẫn sử dụng cồn công nghiệp, cồn chứa methanol trong sản xuất rượu. Từ đó mới dẫn tới các vụ ngộ độc rượu và dẫn tới tử vong tại nhiều nơi trên cả nước.

PV: Trong vấn đề quản lý cồn – nguyên liệu chính để sản xuất rượu, nhiều bộ, ngành đã có đề xuất cần phân biệt màu sắc của cồn công nghiệp sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày (sát khuẩn, xây dựng…) với cồn trong sản xuất rượu. Vậy cần thiết phải có quy định màu sắc để phân biệt cồn được sử dụng trong sản xuất và cồn sử dụng trong các mục đích khác hay không?

Ông Nguyễn Văn Việt: Trong các quy định ở nước ta về cơ bản khá đầy đủ, có những quy định rất đầy đủ đến mức các doanh nghiệp khó thực hiện. Tuy nhiên có nhiều quy định lại chưa thật sự chi tiết để thực hiện. Chẳng hạn quy định không sử dụng các loại cồn nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng cồn công nghiệp có methanol và việc vận chuyển trên thị trường không được quản lý. Vì vậy trong cồn công nghiệp, nhiều nước trên thế giới đã đưa vào quy định những màu sắc để phân biệt cồn sử dụng trong sản xuất và cồn sử dụng trong các mục đích khác. Tuy nhiên trong quy định của nước ta thì chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Do vậy đây có thể là một kẽ hở, cần phải hoàn thiện hơn về quy định quản lý cồn và các hóa chất nói chung dùng trong sản xuất thực phẩm.

PV: Thưa ông, Hiệp hội đã có thống kê như thế nào về những hộ sản xuất rượu thủ công và sự chênh lệch của các đơn vị được cấp phép và không được cấp phép?

Ông Nguyễn Văn Việt: Hiện nay, Bộ Công Thương được phân công quản lý nhà nước về sản xuất rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng. Hàng năm, các Sở Công Thương đều có báo cáo về Bộ Công Thương. Theo chúng tôi được biết, hiện nay số lượng sản xuất rượu thủ công ở các tỉnh thành trên cả nước lên đến hàng chục nghìn các cơ sở. Tuy nhiên việc sản xuất được cấp phép còn đang rất thấp, khoảng 15% so với số lượng các hộ sản xuất, gây cản trở cho công tác quản lý.

PV: Với con số thống kê như vậy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương năm 2022 đã thống kê, nếu như không quản lý được các mặt hàng rượu phi chính thống thì có thể thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng. Vậy ông có bình luận gì về con số này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Rượu thủ công là một loại rượu truyền thống của Việt Nam, có từ nhiều đời nay, người dân vẫn sản xuất và sử dụng. Trước đây rất ít xảy ra ngộ độc rượu nhưng hiện nay do cơ chế thị trường, lòng tham của những người sản xuất đồng thời do công tác quản lý chưa được nghiêm túc, chặt chẽ nên mới xảy ra việc sản xuất rượu không theo quy định của pháp luật và tình trạng trốn thuế ở các doanh nghiệp sản xuất thủ công chiếm đại đa số. Nhà nước hoàn toàn có thể quản lý được tình trạng này nhưng do nhiều nguyên nhân nên các cơ quan thuế tại địa phương chưa thực sự quan tâm tới. Việc thất thoát này theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là con số rất lớn, nếu như chúng ta quan tâm, khắc phục thì không những không thất thoát thuế cho nhà nước, tăng nguồn thu đồng thời tăng cường công tác quản lý và cải thiện tình trạng sản xuất bừa bãi, gây nên ngộ độc, bất bình đẳng trong sản xuất hiện nay. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính, nghiêm túc đóng thuế trong khi nhiều cơ sở khác lại trốn thuế, gây nên sự bất ổn trên thị trường.

PV: Với tư cách là đại diện cho các doanh nghiệp chân chính, Hiệp hội có kiến nghị gì để không làm thất thoát thuế cho nhà nước và mang lại các sản phẩm rượu thực sự an toàn và đảm bảo sức khỏe?

Ông Nguyễn Văn Việt: Sản xuất rượu là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong nhiều năm qua. Trong nhiều cuộc họp, Hiệp hội cũng đã có nhiều kiến nghị. Được biết các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội đều quan tâm tới vấn đề này. Để tăng cường công tác quản lý trước tiên phải có một bộ máy kiểm tra, giám sát, thực thi tốt hơn. Các cơ quan chức năng được phân công, cơ quan thực thi pháp luật cần tích cực hơn trong công tác quản lý. Cần tăng cường công tác giáo dục và nghiêm túc răn đe những cơ sở sản xuất trái quy định của pháp luật. Trong các văn bản của nhà nước chưa đưa ra được giải pháp nghiêm túc xử lý những hành vi vi phạm. Chính điều này dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý.

PV: Thưa ông, chúng ta có cần ban hành và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Việt: Quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực nào cũng cần thiết như quy chuẩn, kỹ thuật, an toàn, chất lượng. Hiện nay theo quy định mỗi cơ sở sản xuất rượu thủ công phải tự đăng ký quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng tuy nhiên cần phải ban hành các quy định sát với thực tế hơn. Cần khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp để xem xét những việc đã đạt được và chưa đạt được, khó khăn và thuận lợi để đưa ra các quy chuẩn gần với thực tiễn đời sống hơn.

PV: Như vậy các doanh nghiệp sản xuất rượu thủ công sẽ tự công bố và đăng ký chất lượng sản phẩm rượu của mình trước khi đưa ra thị trường tại các Sở Công Thương tỉnh thành. Vậy toàn bộ công tác này sẽ dựa vào khâu hậu kiểm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên ông đánh giá như thế nào về công tác hậu kiểm này, có phải chính công tác hậu kiểm này đã dẫn đến tình trạng mà chúng ta không kiểm soát được chất lượng rượu trước khi đưa ra thị trường?

Ông Nguyễn Văn Việt: Theo quy định của pháp luật hiện nay, Bộ Công Thương sẽ cấp phép cho những cơ sở sản xuất công nghiệp có công suất từ 3 triệu lít trở lên, dưới 3 triệu lít sẽ do Sở Công Thương các tỉnh thành. Quy mô sản xuất rượu thủ công giao cho phòng Kinh tế hạ tầng các địa phương. Các cơ quan cấp phép sẽ được quyền và có trách nhiệm phải hậu kiểm, kiểm tra. Tuy nhiên thực tế từ các sự việc ngộ độc xảy ra chúng ta lại thấy việc phân công chưa rõ ràng, do vậy chưa xác minh được những người nào gây nên hậu quả nghiêm trọng.

PV: Vậy với chính sách Thuế, ông có kiến nghị, đề xuất gì không khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất rượu trong nước là rất cao?

Ông Nguyễn Văn Việt: Việt Nam là một trong những nước đang phát triển. Việc sử dụng rượu, bia ở mức trung bình so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong 10 năm gần đây thuế TTĐB của đồ uống có cồn đã tăng 4 lần. Việc tăng thuế nhanh đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Mức thuế so với thu nhập của người dân, giá bán trên thị trường cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay ngành có nhiều đóng góp tốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp đều nghiêm túc trong công tác đóng góp ngân sách nhà nước. Do vậy, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, khó khăn do ảnh hưởng của Covid, xung đột, chiến tranh, giá nguyên liệu tăng cao, chúng tôi cũng có kiến nghị nhà nước nên xem xét lùi lại thời gian tăng thuế cho các doanh nghiệp trong thời điểm này.

Qua những chia sẻ của ông chúng ta đã phân tích được những nguyên nhân cũng như khó khăn trong công tác quản lý rượu thủ công. Từ nhiều năm qua chúng ta đã bàn luận rất nhiều đến vấn đề quản lý rượu thủ công những cũng chưa có được giải pháp quản lý cụ thể. Chúng tôi hy vọng với tư cách của Hiệp hội sẽ có những đề xuất để sớm đưa sản phẩm này vào quản lý quy củ hơn và người tiêu dùng sẽ thụ hưởng được sản phẩm đảm bảo an toàn.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ ý nghĩa này, chúc ông nhiều sức khỏe!

Theo “Hiệp hội bia rượu nước giải khát việt nam – Tạp chí đồ uống số ra T10.2022”