Ngày 15/3/2023, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức Hội thảo: NGÀNH ĐỒ UỐNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT THUẾ TTĐB (SỬA ĐỔI).
Tham dự Hội thảo có ông Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), lãnh đạo Cục thuế thành phố Đà Nẵng, Cục thuế tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp luật, đại diện một số hiệp hội ngành nghề liên quan, lãnh đạo, đại diện của gần 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát, những đối tượng trực tiếp chịu tác động của dự án luật, cùng các phóng viên báo chí trung ương và địa phương.
Ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã gửi văn bản số 1585/BTC-VCS lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) tới các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; các Hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ. Nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.
VBA phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo nhằm kịp thời ghi nhận và phản ánh ý kiến của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) tới Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi). Đại diện Tiểu ban Nước giải khát cho biết: “Chúng tôi thực sự quan ngại về đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Cho đến nay, thực tiễn tại các quốc gia áp dụng chính sách thuế tương tự cũng chưa cho thấy hiệu quả. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Mê-hi-cô tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng, sau khi các quốc gia này áp thuế đối với đồ uống có đường. Các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế. Chúng tôi rất mong Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng đề xuất này dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính công bằng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, Đề xuất từ Tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia nên cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chúng tôi cho rằng cơ sở đề xuất này là rất bất hợp lý, vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế TTĐB và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế TTĐB là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe – thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe.
Các doanh nghiệp trong ngành thật sự quan ngại vì luận điểm này sẽ dẫn đến những hệ lụy mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất phát triển các giải pháp tiên tiến tạo ra những sản phẩm có cồn thấp hoặc không cồn nhằm góp phần giảm tác hại lạm dụng đồ uống có cồn.
Đề xuất mở rộng bổ sung đồ uống không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB vô hình trung sẽ chỉ khuyến khích việc tiếp tục tiêu thụ đồ uống có cồn, không khuyến khích mọi hoạt động đầu tư và đổi mới vào các sản phẩm ít cồn hoặc không cồn, ngay cả khi thuế suất thấp hơn. Thay đổi thói quen tiêu dùng là một quá trình đầy thách thức và lâu dài, nếu không có sự hỗ trợ của các chính sách phù hợp thì càng khó hơn.
Đại diện ngành đồ uống có cồn nhấn mạnh: “Ngoài những khó khăn chung, về môi trường pháp lý: Từ năm 2003 đến nay, Luật thuế TTĐB đã năm lần sửa đổi (vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp. Thực tiễn cũng cho thấy: Tăng thuế TTĐB chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe; Tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp, chiếm 60- 70% thị trường, gây thất thoát 751 triệu USD/ năm, từ đó, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và kinh doanh hợp pháp; Tăng thuế TTĐB không giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho nhà nước. Tóm lại, vấn đề gốc rễ bao gồm rượu phi chính thức gây rủi ro cho sức khỏe và gây thất thu ngân sách lại không được tập trung giải quyết.”
Hội thảo đã thu hút 24 ý kiến phát biểu, tham luận với những phân tích xác đáng, lập luận chặt chẽ. Các ý kiến đều kiến nghị xem xét chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch; Không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB; Dự thảo Luật thuế TTĐB cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai Kỳ họp Quốc hội; Cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.Với các nhà máy có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, doanh thu 200 ngàn tỷ đồng/năm, đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước (khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước), ngành đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn; truyền cảm hứng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội; tạo tác động lan tỏa khi thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị: nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.