Giá thực phẩm toàn cầu giảm tháng thứ 10 liên tiếp

Theo Tổ chức Nông lương quốc tế của Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm toàn cầu tiếp tục giảm trong tháng 1-2023. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp, giá thực phẩm giảm. Mức giá trong tháng qua đã giảm 17,9% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 3-2022 sau khi Nga đưa quân sang biên giới của Ukraine.

Giá thực phẩm toàn cầu giảm trong tháng 1 chủ yếu nhờ giá dầu ăn, bơ sữa và đường đi xuống. Trong khi đó, giá ngũ cốc vẫn ổn định với giá gạo tăng 6,2%. Ảnh: Rfdtv

Giá thực phẩm toàn cầu thấp nhất kể từ tháng 9-2021

Trong báo cáo đưa ra vào hôm qua (3-2), FAO cho biết, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu, theo dõi giá cả của các hàng hóa thực phẩm được giao dịch nhiều nhất thế giới, đạt 131,2 điểm vào tháng trước, giảm 0,8% so với 132,2 điểm vào tháng 12 năm ngoái. Chỉ số này đang ở mức điểm thấp nhất kể từ tháng 9-2021.

Giá dầu thực vật, bơ sữa và đường giảm đã giúp kéo chỉ số này đi xuống. Trong khi đó, giá ngũ cốc và thịt phần lớn vẫn ổn định.

Theo FAO, trong tháng 1, giá ngũ cốc toàn cầu tăng 0,1% so với tháng trước đó và đang ở mức cao hơn 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa mì giảm 2,5% do sản lượng tại Úc và Nga tăng vượt kỳ vọng. Ngược lại, giá gạo tăng 6,2%, do biến động tỷ giá, nguồn cung thắt chặt, nhu cầu nội địa mạnh ở một số nước xuất khẩu gạo của châu Á.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 2,9% trong tháng 1. Giá dầu cọ và dầu đậu nành giảm trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm, trong khi giá dầu hạt hướng dương và hạt cải dầu cũng giảm do khả năng xuất khẩu dồi dào.

Chỉ số giá bơ sữa của FAO giảm 1,4% so với tháng 12, với giá bơ và sữa bột giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu hàng đầu suy yếu và nguồn cung tăng từ New Zealand. Giá phô mai thế giới tăng nhẹ do dịch vụ thực phẩm và doanh số bán lẻ ở Tây Âu phục hồi sau kỳ nghỉ năm mới, cũng như biến động tỷ giá.

Chỉ số giá thịt của FAO chỉ giảm 0,1% so với tháng 12 do nguồn cung xuất khẩu dồi dào, gây áp lực lên giá thịt gia cầm, thịt heo và thịt bò. Trong khi đó, giá thịt cừu xuất khẩu tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh hơn.

Giá đường trên toàn cầu giảm 1,1% so với tháng 12. Trong tháng 1, vụ thu hoạch mạnh mía khả quan ở Thái Lan và điều kiện thời tiết thuận lợi ở Brazil đã lấn át lo ngại về năng suất mía thấp hơn ở Ấn Độ, giá xăng cao hơn ở Brazil (hỗ trợ nhu cầu sản xuất ethanol từ mía và có thể khiến nguồn cung mía dành cho sản đường suy giảm).

Về triển vọng nguồn cung ngũ cốc trong năm 2023, FAO cho biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy vụ mùa lúa mì mùa đông ở bắc bán cầu, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ tăng trưởng khi nông dân mở rộng diện tích gieo trồng để tận dụng giá lúa mì cao.

Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo, chi phí phân bón cao có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì. Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, có thể giảm nhẹ diện tích trồng lúa mì do giá nội địa thấp. Khi Ukraine vẫn chìm trong cuộc giao tranh với Nga và đối mặt một mùa đông khắc nghiệt, diện tích gieo trồng lúa mì của nước này có thể giảm đến 40% trong mùa vụ hiện tại.

Nhu cầu sử dụng ngũ cốc thế giới trong niên vụ 2022-2023 được dự báo sẽ giảm 0,7% so với niên vụ trước, xuống còn 2.779 triệu tấn. Thương mại ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ hiện tại sẽ giảm 1,7% so với mức cao kỷ lục 474 triệu tấn vào năm ngoái.

Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giảm mạnh

Rủi ro đối với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu là hoạt động xuất khẩu không ổn định của Ukraine. Trong những tuần gần đây, các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine ở Biển Đen, bao gồm cảng Odesa, đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng.

Các chuyến hàng trên được Liên Hợp Quốc giám sát theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine nhằm thiết lập hành lang xuất khẩu an toàn qua Biển Đen. Vào ngày 1-2, có 5 tàu chở ngũ cốc ra khơi từ các cảng của Ukraine, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của mùa thu và chỉ có hai tàu khởi hành ngày 2-2 vừa qua.

Bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 100 tàu chở ngũ cốc xếp hàng gần eo biển Bosporus, kết nối Biển Đen với Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và phải chờ cả tháng để được thanh tra. Tháng trước, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine chỉ trích Nga cố tình trì hoãn hoạt động thanh tra các tàu này.

Thông thường, hành trình tàu chở ngũ cốc từ cảng Odesa đến eo biển Bosporus và ngược lại, bao gồm cả việc thanh tra, sẽ mất khoảng 10 ngày. Hiện nay, thời gian này có thể mất một tháng hoặc lâu hơn.

Theo dữ liệu hàng hải do Lloyd’s List Intelligence tổng hợp, hoạt động thanh tra chậm trễ khiến các lô hàng xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine trong tháng 1 giảm 19% so với tháng trước đó.

“Người Nga muốn hạn chế khả năng điều hành nền kinh tế và thu nhập của Ukraine, đồng thời họ cũng muốn thể hiện tầm quan trọng của mình ở Biển Đen.Thỏa thuận ngũ cốc mang lại cho Nga đòn bẩy cho các cuộc đàm phán với Ukraine và phương Tây”, Andrii Ryzhenko, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, người giám sát Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cho Trung tâm Chiến lược quốc phòng (CDS), một cơ quan tư vấn của chính phủ Ukraine, nói.

 

Theo Kinh tế Sài Gòn online

Call Now Button