Kẹo rau củ Kera được phát hiện có chất tạo ngọt nhưng không ghi trên nhãn mác. Bộ Y tế đưa ra khuyến nghị về chất tạo ngọt trong kẹo rau củ Kera.

Kết quả kiểm nghiệm gần đây từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về kẹo rau củ Kera đã phát hiện sản phẩm này chứa chất tạo ngọt Sorbitol với hàm lượng 33,4 g/100g. Tuy nhiên, thành phần này không được ghi rõ trên nhãn sản phẩm như quy định.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, Sorbitol là một hợp chất hữu cơ thuộc nhóm rượu đường, với công thức hóa học C6H14O6. Nó có dạng lỏng màu trắng, không mùi, vị ngọt và tan hoàn toàn trong nước, rượu. Sorbitol được sử dụng phổ biến như một phụ gia thực phẩm để tạo vị ngọt, giữ ẩm và tạo độ bóng cho sản phẩm. Trong công nghiệp, Sorbitol được sản xuất từ glucose thông qua quá trình hydro hóa với niken, tức là đường glucose sẽ được hydro hóa với xúc tác niken để tạo ra Sorbitol.
Sorbitol cũng có mặt tự nhiên trong các loại trái cây như táo, lê, mận, và có thể được chiết xuất từ ngô, bí ngô, đào, dâu rừng, mận khô, v.v… Ngoài ra, Sorbitol có tính khử và khả năng chống vi khuẩn, giúp cải thiện khả năng bảo quản các sản phẩm béo.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) định nghĩa Sorbitol là một loại rượu đường có vị ngọt khoảng 60% so với đường mía nhưng ít calo hơn, chỉ khoảng 2,6 kcal mỗi gram, so với 4 kcal của đường thông thường. Kể từ năm 1929, Sorbitol đã được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm tại Mỹ, và thực phẩm có thể chứa tối đa 7% Sorbitol theo tiêu chuẩn của FDA. Sự phổ biến của Sorbitol trong các chất tạo ngọt thay thế đường ngày càng tăng.
Sorbitol có ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, không chỉ trong thực phẩm mà còn trong các sản phẩm như sơn, polymer, chất tẩy rửa, keo dán, và trong các lĩnh vực như dệt may, giấy, da,… Ngoài ra, Sorbitol còn được sử dụng trong thực phẩm như bạc hà, siro ho, kẹo không đường nhai, giúp giữ ẩm và làm cho sản phẩm mềm mại hơn.
Trong ngành dược phẩm, Sorbitol được dùng làm thuốc nhuận tràng và là tá dược trong các loại thuốc như vitamin C. Nó cũng được ứng dụng trong việc điều trị tăng kali trong máu và các môi trường nuôi cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá mức (trên 50g mỗi ngày), Sorbitol có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, làm mất cân bằng đường ruột.
Một đặc điểm nổi bật của sorbitol là chất ngọt nhưng hấp thu chậm, do đó nó không làm tăng lượng insulin như đường và sẽ không gây sâu răng, sử dụng trong bánh kẹo ít calo và trong rất nhiều thực phẩm khác và còn được dùng để giải độc gan, tẩy trắng thịt, cá trong chế biến…
Ngoài tác dụng làm chất thay thế chất ngọt, vị đường trong thực phẩm giảm lượng đường, Sorbitol còn được sử dụng làm chất giữ ẩm trong bánh quy và thực phẩm có độ ẩm thấp như trái cây và bơ đậu phộng bảo quản. Trong bánh nướng, hóa chất này cũng có tác dụng vì hoạt động như một chất dẻo và làm chậm quá trình đốt cháy.
Mặc dù Sorbitol có nhiều lợi ích, nhưng người tiêu dùng cần lưu ý lượng tiêu thụ và đọc kỹ nhãn sản phẩm để tránh những tác dụng không mong muốn.