Sabeco (SAB): Cổ đông đón tin vui với sản lượng bia trước Tết và cơ hội đến từ thương vụ M&A Sabibeco

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) đã mở rộng thị phần nhờ tăng điểm phân phối và ra mắt thành công sản phẩm 333 Pilsner. Ngoài ra, thương vụ thâu tóm Sabibeco sẽ giúp SAB tăng công suất, góp phần vào tăng trưởng doanh thu thời gian tới.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sabeco (SAB) đã ghi nhận tăng trưởng thị phần, đặc biệt ở các khu vực nông thôn miền Bắc nhờ vào việc mở rộng điểm phân phối, cũng như tăng trưởng doanh thu trên mỗi điểm bán. Các chiến lược phân phối này của SAB đã phát huy hiệu quả, giúp công ty tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và gia tăng độ “phủ sóng” sản phẩm.

Một điểm sáng khác trong hoạt động kinh doanh của SAB là sự ra mắt thành công của dòng sản phẩm 333 Pilsner. Theo đánh giá của Vietcap, sản phẩm này đã đạt được ba thành công bước đầu: (1) hoàn thành mục tiêu phân phối nội bộ, (2) nhận được nhiều đơn đặt hàng lại từ các nhà phân phối, và (3) tạo được sự chấp nhận rộng rãi trên thị trường. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm của SAB đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, thị trường bia Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong quý 3/2024. Theo ban lãnh đạo Sabeco, sự phục hồi này chủ yếu đến từ sự cải thiện của nền kinh tế và mức chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và kỳ vọng đà phục hồi sẽ tiếp tục trong quý 4/2024, kéo dài đến quý 1/2025, đặc biệt trong mùa Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2025. Đây là giai đoạn cao điểm tiêu thụ bia, và SAB đang chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Sabeco (SAB): Cổ đông đón tin vui với sản lượng bia trước Tết và cơ hội đến từ thương vụ M&A Sabibeco
Sabeco (SAB) kỳ vọng đà phục hồi thị trường bia sẽ tiếp tục trong quý 4/2024 và kéo dài đến quý 1/2025, đặc biệt trong mùa Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2025

Về mặt chi phí nguyên vật liệu, ban lãnh đạo kỳ vọng sử dụng hết lượng đại mạch có chi phí cao đã phòng hộ rủi ro quá mức trong vài tuần đầu năm 2025. Sau đó, công ty sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng nguồn đại mạch có giá thấp hơn, điều này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Ở chiều ngược lại, giá lon nhôm dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2025, điều này có thể tạo áp lực nhẹ lên chi phí sản xuất. Tuy nhiên, ban lãnh đạo SAB tin rằng sự giảm giá của đại mạch sẽ đủ bù đắp cho sự tăng nhẹ của chi phí bao bì.

Trong năm 2024, SAB đã triển khai các biện pháp tối ưu hóa chi phí quảng cáo và khuyến mãi bằng cách chuyển sang các phương tiện truyền thông tiết kiệm chi phí hơn như mạng xã hội và thương mại điện tử. Đây là một phần trong chiến lược kiểm soát chi tiêu A&P của công ty nhằm tăng hiệu quả mà không phải gia tăng chi phí.

Bắt đầu từ tháng 10/2024, SAB đã khởi động nhiều chiến dịch quảng cáo cho dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo số liệu sơ bộ, sản lượng bán bia trước Tết đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, SAB đã chuẩn bị các biện pháp phòng vệ để giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn đến các sản phẩm bia thuộc phân khúc phổ thông gây ra từ xu hướng ưa chuộng bia cao cấp trong mùa quà Tết.

Thương vụ thâu tóm Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây (Sabibeco)

Về chiến lược mở rộng thông qua M&A, giới đầu tư đánh giá cao kế hoạch thâu tóm Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây (Sabibeco). Theo kế hoạch, SAB dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua lại Sabibeco, nâng tỷ lệ sở hữu từ 22,7% lên 65,9% vào tháng 1/2025.

Sabeco (SAB): Cổ đông đón tin vui với sản lượng bia trước Tết và cơ hội đến từ thương vụ M&A Sabibeco
SAB dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua lại Sabibeco, nâng tỷ lệ sở hữu từ 22,7% lên 65,9% vào tháng 1/2025.

Việc thâu tóm này sẽ mang lại hai lợi ích chính cho SAB. Thứ nhất là ghi nhận lợi ích tài chính ngay lập tức. Sau khi hoàn tất, SAB sẽ có quyền hưởng toàn bộ lợi nhuận gộp từ sản lượng bia mua từ Sabibeco, điều này sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của công ty. Thứ hai là tận dụng công suất dư thừa của Sabibeco. SAB có thể khai thác năng lực sản xuất dư thừa của Sabibeco để mở rộng sản lượng bia sản xuất, từ đó tăng khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả từ các giá trị cộng hưởng giữa hai công ty sau thương vụ M&A sẽ cần thêm thời gian để hiện thực hóa.

Với những phân tích và dự báo khả quan, Chứng khoán Vietcap hiện duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SAB. Vietcap đặt giá mục tiêu cho cổ phiếu SAB là 73.000 đồng, upside 29% so với mức giá đóng cửa tại ngày 12/11/2024 dựa trên kỳ vọng rằng công ty sẽ đạt được sự phục hồi mạnh mẽ trong doanh thu và lợi nhuận từ năm 2025 trở đi.

Theo nhận định từ Vietcap, SAB có thể đạt tốc độ phục hồi nhanh hơn nhờ hai yếu tố chính: sự gia tăng sản lượng bán bia và chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, cụ thể là đại mạch. Điều này dựa trên bối cảnh tích cực của thị trường và những động thái chiến lược mà SAB đã triển khai trong thời gian qua.

Sự kết hợp giữa chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả, đà phục hồi của thị trường bia và việc mở rộng quy mô thông qua M&A được xem là các yếu tố chính giúp SAB duy trì vị thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Call Now Button