Năm 2023 đánh dấu mốc Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) kỷ niệm 65 năm khôi phục, xây dựng và phát triển trên chặng đường gần 135 năm lịch sử thương hiệu. Đi qua mỗi chặng đường, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên lao động HABECO lại thêm tự hào viết thêm những trang sử cho thương hiệu HABECO – Thương hiệu Quốc gia Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, chinh phục những đỉnh cao mới để khẳng định đẳng cấp thương hiệu Việt.
Câu chuyện về Ngày Truyền thống 15-8
Ngược dòng thời gian về năm 1890, người Pháp đã xây dựng Nhà máy Bia tên gọi là Hommel tại phố Hoàng Hoa Thám, đây là tiền thân của HABECO sau này. Sản lượng bia khi đó đạt khoảng 150 lít/ngày và bia phục vụ chủ yếu cho quân viễn chinh Pháp, với hơn 30 nhân công. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chính phủ có chủ trương khôi phục lại Nhà máy Bia Hommel. Ngày 15/8/1957, Ban khôi phục Nhà máy được thành lập, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự giúp đỡ của 02 chuyên gia Tiệp Khắc, các CBCNV trong Ban khôi phục đã hoàn thành 132 hạng mục trong 6 khu sản xuất và đưa Nhà máy hoạt động trở lại, cũng từ đó nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Bia Hà Nội. Ngày 1/5/1958, mẻ bia nấu thử đầu tiên do ông Vũ Văn Bộc – một công nhân có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm của Nhà máy Bia Hommel trước đây, đã thực hiện thành công.
Ngày 15/8/1958, trong không khí cả nước sôi nổi chào mừng mười ba năm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bốn năm Thủ đô hoàn toàn giải phóng, Nhà máy Bia Hà Nội cho ra đời chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch trong niềm vui, xúc động lớn lao của CBCNV Nhà máy. Sự kiện này khẳng định thương hiệu của ngành Công nghiệp nước ta, là niềm tự hào của Hà Nội và cả nước. Từ đó, ngày 15/8 trở thành ngày Truyền thống của Nhà máy Bia Hà Nội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã thổi một luồng gió đổi mới tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, từ đây, Nhà máy Bia Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất đồ uống nói chung bắt đầu khởi sắc. Năm 1993, Nhà máy Bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội, từ đó đầu tư các trang thiết bị mới thay thế các thiết bị cũ, nâng công suất lên 50 triệu lít/năm (năm 1995) rồi 100 triệu lít/năm (năm 2004). Nhờ đó, Bia Hà Nội đã ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường, phát triển thị phần, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Phát triển thương hiệu, nâng tầm cao mới
Ngày 6 tháng 5 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bia Hà Nội và chuyển các đơn vị Công ty Rượu Hà Nội, Công ty Bia Thanh Hoá, Công ty Thuỷ tinh Hải Phòng, Công ty Thương mại Dịch vụ Bia – Rượu – Nước giải khát và Viện Nghiên cứu Rượu – Bia – NGK thành các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty. Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập. Với thế và lực mới, HABECO đã có bước phát triển nhanh chóng.
Thực hiện chủ trương đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp của Chính phủ cũng như chiến lược phát triển của mình, từ năm 2004, Tổng công ty đã tiếp nhận thêm các công ty con và góp vốn vào các công ty liên kết như: Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Dương, Công ty CP Bia Hà Nội – Quảng Bình, Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Phòng, Công ty CP Bia Hà Nội- Thái Bình, CP Bia Hà Nội – Nam Định, Công ty CP Bia Hà Nội – Hồng Hà…Từ là một Công ty chuyển sang Tổng công ty, hoạt động theo mô hình tổ chức Công ty mẹ – Công ty con. Từ đó đã tạo điều kiện cho HABECO phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng công ty vừa đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm tại Công ty mẹ, vừa thực hiện đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Ngoài lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh bia, HABECO cũng tham gia vào các hoạt động như thương mại, bao bì, bất động sản. Địa bàn hoạt động của HABECO được mở rộng vào miền Trung, miền Nam, và xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình sang Tổng Công ty Cổ phần, lấy tên là Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập.
Năm 2010, với việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia công suất 200 triệu lít bia/năm tại Mê Linh, Hà Nội, đã đưa Tổng Công ty đạt công suất gần 400 triệu lít bia/năm. HABECO trở thành một trong hai Tổng Công ty sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam. Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh ra đời với hệ thống thiết bị đồng bộ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Cũng trong năm 2010, sản phẩm Bia Trúc Bạch được khôi phục. Đến năm 2012, Sản lượng toàn tổ hợp chạm mốc 456 triệu lít/năm.
Năm 2013, Tổng công ty đầu tư thêm dây chuyền chiết nước tinh lọc đánh dấu 55 năm xây dựng và phát triển HABECO.
Năm 2014, Khởi công dự án dây chuyền chiết lon 60.000lon/giờ tại Mê Linh, được hoàn thành vào năm 2015. Cũng trong năm 2015, Tổng công ty đã tiến hành xây dựng mới Viện Kỹ thuật Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội tại Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động năm 2016. Đầu tư xây dựng hệ thống Pilot Plant phục vụ công tác nghiên cứu sản phẩm mới.
Năm 2017, xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội – Hoàng Hoa Thám.
Năm 2018, dấu mốc 60 năm truyền thống HABECO, ra mắt nhận diện mới thương hiệu Bia Trúc Bạch.
Tháng 5/2019, HABECO chính thức ra mắt nhận diện mới thương hiệu với slogan “Sức bật Việt Nam”, đánh dấu mốc chuyển mình của thương hiệu trong bối cảnh mới, hội nhập và phát triển.
Giai đoạn “Lửa thử vàng, Gian nan thử sức”
Giai đoạn 2020 – 2021, đất nước trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn bởi đại dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như nền kinh tế, xã hội của đất nước. Ngành đồ uống nói chung và HABECO nói riêng chịu tác động nặng nề khi mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh đều phải giảm năng suất để tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid – 19, bằng tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của một doanh nghiệp Việt đối với xã hội, HABECO đã góp sức mình cho cộng đồng với những hoạt động thiết thực như: Trao tặng các vật phẩm thiết yếu tới các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm, giữ gìn sức khỏe cho người dân; Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Khánh thành bàn giao “Nhà tình nghĩa” và trao quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Đoàn Thanh niên HABECO tổ chức hiến máu nhân đạo ủng hộ kho dự trữ máu quốc gia thiếu hụt trong giai đoạn dịch bệnh.
Bằng những hành động tích cực trong công tác hoạt động xã hội, HABECO đã nhận được sự ủng hộ tin yêu của rất nhiều đối tác, người tiêu dùng. Bên cạnh đóng góp cho ngân sách Nhà nước, HABECO góp phần lớn vào sự phát triển xã hội.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành nghề lĩnh vực đã phục hồi và phát triển, ghi nhận những tín hiệu tích cực. Song ngành đồ uống nói chung và HABECO nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách với những biến động trong khu vực và trên thế giới.
Với truyền thống lâu đời, cùng với lòng tự hào là những người tiếp nhận, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ tiếp theo chất men gắn kết mọi người, lớp lớp các thế hệ HABECO luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để bảo vệ và phát triển thương hiệu Bia Hà Nội – thương hiệu đã trở thành một phần lịch sử của của mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, xây dựng HABECO là một doanh nghiệp đầy sức trẻ năng động, vững mạnh và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam và khu vực.
Vững bước phát triển, chinh phục đỉnh cao
Những sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu HABECO như Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium, Bia hơi Hà Nội, Bia chai và lon Hà Nội, Bia Hanoi Bold&Light… đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước. HABECO luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm mang thương hiệu Việt với các dòng sản phẩm bia ngoại. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, HABECO đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được Người tiêu dùng và được nhân lên trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. HABECO được vinh dự góp mặt 6 năm liên tiếp trong danh sách những thương hiệu Việt tiêu biểu được vinh danh “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Trong những năm qua, HABECO cũng vinh dự nhận được các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế như Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam qua nhiều năm, Top 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam, Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt xuất sắc, Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt… Đây chính là sự ủng hộ và là nguồn động viên mạnh mẽ để toàn bộ hệ thống HABECO tiếp tục nỗ lực trong việc lan tỏa thương hiệu Việt.
Trải qua 65 năm phát triển thương hiệu, HABECO đã đưa những sản phẩm của mình trở thành biểu tượng của văn hoá Thủ đô, một biểu tượng ngoại giao của đất nước hiếu khách. Chúng ta ấn tượng với hình ảnh nguyên thủ, lãnh đạo các nước đi dạo, ăn những món đặc sản đường phố Hà Nội đặc biệt là uống Bia Hà Nội và dô bia với người dân. Qua nét văn hoá uống Bia Hà Nội bình dân, độc đáo, con người thân thiện, hiếu khách của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Chặng đường dài vẫn ở phía trước, HABECO kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp gắn với sự phát triển cộng đồng. Để có được thành tựu như ngày hôm nay là công lao, mồ hôi, nước mắt của những thế hệ đi trước; để gìn giữ và nâng tầm thương hiệu HABECO lớn mạnh còn khó khăn và đòi hỏi sự đoàn kết vô cùng lớn của tập thể CBCNV người lao động. Mỗi mốc son qua đi, HABECO lại thêm tự hào về những gì đã đạt được nhưng cũng không ngừng cố gắng để viết tiếp nên những trang sử thành tựu, hướng tới những thành công mới của ngành đồ uống Việt Nam.