Trong khi nhiều nhà hàng phải thu hẹp hoạt động, mô hình beer garden (bia sân vườn) tiến lên thành chuỗi.
Chỉ tính riêng ở TP.HCM, có khoảng 60-70 beer garden đang hoạt động.
Nếu như beer club là điểm lui tới yêu thích của những người trẻ thích sự náo nhiệt, thì beer garden mang lại không gian rộng rãi với nhiều phong cách và các món ăn đặc trưng theo từng concept.
Phong cách uống bia của Gen Z
Beer garden đang dần trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ và dần chinh phục được những khách hàng khó tính. Chỉ tính riêng ở TP.HCM, có khoảng 60-70 beer garden đang hoạt động.
Không phải là không gian khép kín, người trẻ đang có xu hướng tìm đến những nơi có không gian mở như các quán bia sân vườn. Nguyễn Lâm, nhân viên marketing đang làm việc tại TP.HCM, cho biết anh ngại đến các nhà hàng truyền thống vì những nơi này không phù hợp để người thuộc thế hệ Gen Z như anh ăn uống và trò chuyện một cách thoải mái. Lâm cũng không thích các quán nhậu bình dân vì những nơi đó khá ồn ào, xô bồ. “Chúng tôi thích đến beer garden hơn vì nơi đây có không gian rộng rãi sạch đẹp, lịch sự, thiết kế theo phong cách riêng, với các món ăn ngon, bia tươi nhiều loại và dễ uống”, anh chia sẻ.
Thời điểm đại dịch COVID-19 ập đến, khi không ít beer club lao đao, điển hình là chuỗi Vuvuzela của Golden Gate đóng cửa gần hết thì các chuỗi beer garden như The Gangs, Ba Gác, Warning Zone… vẫn trụ vững. Sang giai đoạn hậu COVID-19, Ba Gác mở thêm chi nhánh mới với diện tích rộng 2.000 m2, trở thành vườn bia sân thượng lớn hàng đầu TP.HCM.
Khi xác định nhóm khách hàng chính của mình là Gen Z, The Gangs nói riêng và các beer garden nói chung đều ý thức: Gen Z ở Việt Nam là một thế hệ “foodaholic” – những người đam mê ẩm thực chính hiệu. Họ sẵn sàng dành tới 1/3 số tiền làm ra cho trải nghiệm ăn uống và yêu thích việc la cà hàng quán, trải nghiệm dịch vụ ăn uống bên ngoài hơn là dùng bữa ở nhà, theo nghiên cứu của Decision Lab.
Sở dĩ The Gangs, Topping Beef vẫn tồn tại và phát triển bất chấp đại dịch là nhờ vào khả năng bám sát xu hướng của khách hàng và có đội ngũ nhân viên giỏi, biết thay đổi để thích ứng kịp thời với khó khăn, ông Võ Trọng Tường Lân, CEO của TL Service, đơn vị sở hữu chuỗi The Gangs và Topping Beef, cho biết.
Ngoài The Gangs, Ba Gác, Warning Zone, thị trường còn nhiều thương hiệu beer garden khác được phát triển lên thành chuỗi như ZumWhere, BiaCraft… Đây đều là những cái tên đã xuất hiện trên thị trường từ 5-7 năm trước và vẫn trụ lại được sau đại dịch COVID-19.
Sự trỗi dậy của beer garden
Golden Gate – doanh nghiệp đứng đầu ngành F&B, sở hữu hơn 22 thương hiệu như chuỗi Vuvuzela, Kichi-Kichi, iSushi, Gogi House, Sumo BBQ, Cowboy Jack’s… – đang thực hiện chiến lược nâng tổng số nhà hàng từ khoảng 400 nhà hàng (cuối tháng 2/2022) lên trên 1.000 trong vài năm tới, hướng tới doanh thu 1 tỉ USD. Ông Đào Thế Vinh, sáng lập kiêm CEO Golden Gate, tin rằng: “Ăn uống vẫn là ngành cơ bản, cộng với kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nên kế hoạch của Golden Gate sẽ không thay đổi nhiều”.
P.A.C.C Group, công ty sở hữu chuỗi Ba Gác, đang có hướng đi khác bằng cách mở rộng mạng lưới chuỗi Ba Gác từ 6 chi nhánh hiện tại. Theo bà An Nguyễn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của P.A.C.C Group, cách thức mở rộng của Ba Gác vẫn là đi theo định hướng từ ban đầu. Đó là hướng đến người Việt hiện đại, theo phong cách “đậm chất Việt”.
Với định hướng rõ ràng này, bà An Nguyễn cho biết, Ba Gác đã tạo sự khác biệt trên thị trường. Thực tế, các chuỗi beer garden khác cũng định vị theo những phong cách riêng. Nếu Ba Gác chọn lựa “đậm chất Việt” thì The Gangs chọn phong cách industrial (công nghiệp), lấy cảm hứng từ tinh thần của những băng đảng Gangsta: phóng khoáng, táo bạo và đầy phá cách. The Gangs cũng định vị trải nghiệm “mồi ngon – rượu say” và chọn phục vụ cả món Việt, Âu lẫn Nhật.
Riêng chuỗi BiaCraft định vị lợi thế của mình là chuỗi quán bia thủ công kết hợp nhà hàng. Ở đây có hơn 150 loại bia cho khách hàng chọn lựa cùng menu là các món nướng chủ đạo. Hay ZumWhere chọn theo phong cách và hương vị truyền thống của xứ sở hoa anh đào. Warning Zone chiếm được cảm tình của thực khách nhờ câu chuyện của thế giới tái sinh và phong cách ẩm thực Việt đa dạng.
Dù khác biệt về phong cách nhưng theo ghi nhận chung, các beer garden lại khá tương đồng về thực đơn, nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, tổ chức các đêm nhạc… Vì thế, thắng thua, khác biệt ở beer garden suy cho cùng vẫn ở định hướng.
Bà An Nguyễn cho rằng, định hướng càng cụ thể, rõ ràng thì càng dễ tạo điểm riêng biệt cho chuỗi cũng như không lo ngại cạnh tranh. Ngay cả việc làm mới mình mỗi ngày, mỗi giai đoạn thì vẫn phải trên cơ sở định hướng. Có như vậy, beer garden mới hạn chế được rủi ro thất bại từ việc không xác định được mình bán gì, bán cho ai, tập trung vào đâu…
Trong một chia sẻ trên báo chí, ông Võ Trọng Tường Lân đã xác nhận “chỉ khi có định hướng kinh doanh đúng thì mới giúp ta tìm ra biện pháp giải quyết những vấn đề khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển kinh doanh, để ngày càng đi lên”.
Cũng theo chia sẻ của ông Lân, ngành F&B sau dịch COVID-19 đã có những khó khăn từ nhu cầu tiêu dùng giảm, lao động ngành F&B dịch chuyển sang những ngành khác và giá cả nguyên vật liệu đã tăng.
Dù vậy, đây vẫn là ngành thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Theo Euromonitor, tỉ lệ thâm nhập của chuỗi F&B với toàn bộ thị trường mới chỉ đạt mức 5%. Đây chính là tiềm năng để các nhà đầu tư F&B dấn bước mạnh mẽ.
Việt Nam là quốc gia dành tới 35% tổng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, tức khoảng 360 USD/tháng. Đây là con số cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Vì thế, hậu COVID-19, F&B phục hồi mạnh mẽ. Theo BMI, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất toàn cầu, đóng góp 15,8% vào GDP (năm 2021).