Nhiều quan tâm nhưng kết quả còn ít
Theo ông Trịnh Bá Cường, Tổng Thư ký Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM, để hướng tới tiêu chuẩn ESG, các doanh nghiệp (DN) cần nỗ lực để góp phần giảm thải khí carbon, giảm rác thải, sử dụng nguyên liệu và sử dụng lao động có trách nhiệm xã hội. Một số doanh nghiệp đã đạt được thành công ban đầu về sản xuất các sản phẩm “xanh” như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa trong ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống thì mới đang từng bước thực hiện ESG.
Các chuyên gia đánh giá, việc tiếp cận tiêu chuẩn ESG trong sản xuất, chế biến các mặt hàng lương thực thực phẩm ở nước ta cũng chỉ mới được chú ý trong một vài năm gần đây nên còn gặp không ít khó khăn về nhận thức. Đồng thời, doanh nghiệp có thể thực hiện tiêu chuẩn này trong sản xuất của mình, nhưng khi kết nối với tổng thể chung thì vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Ông Trịnh Bá Cường, Tổng Thư ký Hội Lương – Thực phẩm TP.HCM (Ảnh: Hoàng Minh)
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Tomcare cho biết, nhà máy của ông đã mất nhiều công sức để xử lý rác thải, nước thải, nếu thực hiện tốt có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, điều gặp khó là doanh nghiệp chưa thể phối hợp một cách đồng bộ với đơn vị xử lý rác và nước thải, gây lãng phí không nhỏ.
Có phân loại rác nhưng rồi rác đem ra đổ chung. Nước thải của chúng tôi cũng rất tốt, có thể dùng để tưới tiêu, nuôi cá nhưng diện tích đất không đủ để mình sử dụng nước đó. Và cuối cùng vẫn phải xả thải ra hệ thống chung”, ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết.
Điều khó khăn thường gặp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng ESG còn là vấn đề tiếp cận thị trường. Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Song Nguyễn cho biết, các sản phẩm của công ty sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, được trồng theo quy trình hữu cơ và đã xuất khẩu một số sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp khó mở rộng thị trường, khó quy hoạch vùng trồng nguyên liệu trong nước.
“Hiện tại, doanh nghiệp của tôi cũng mới bắt đầu, chưa hoàn chỉnh, thấy cũng có một số khó khăn. Đối với sản phẩm này, doanh nghiệp của tôi đang gặp vấn đề về vùng trồng. Mình không thể nào có vùng trồng lớn thì mình phải hợp tác với đơn vị khác nhưng điều đó mình phải phụ thuộc vào họ”, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy chia sẻ.
Nên tiếp cận từ những điều đơn giản nhất
Chế biến lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển của TP.HCM, hiện chiếm 14 -15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, việc thực hiện các tiêu chí xanh trong sản xuất lương thực, thực phẩm của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp hoàn toàn chưa có kinh nghiệm triển khai, báo cáo, quản lý và thiếu vốn đầu tư bài bản.
“Do đang song hành có nhiều bộ tiêu chuẩn gồm các tiêu chí khác nhau, tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và áp dụng. Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được do còn thiếu nguồn nhân lực, kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng”, ông Trần Phú Lữ chỉ rõ.Ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững – Tổ chức Tiêu chuẩn Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, tiềm lực, quy mô của từng doanh nghiệp khác nhau nên mỗi doanh nghiệp cần phải lựa chọn từng mục tiêu cho mình. Khái niệm phát triển bền vững rất rộng trong khi khả năng của nhiều đơn vị còn rất nhỏ. Bởi vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt đầu tiếp cận từ những điều đơn giản nhất. Theo đó, ở những bước đầu tiên, mỗi đơn vị cần xem bản thân có những gì, sản xuất kinh doanh của mình phát thải bao nhiêu, có thể kiểm soát được những khâu nào, phải xử lý ra sao và có thể nhờ ai hỗ trợ…“Có quá nhiều nội dung nên cần có một quá trình. Và còn tùy thuộc vào tiềm năng, năng lực của mỗi tổ chức. Có những doanh nghiệp quá nhỏ, không thể nào bao quát hết nên phải đi từng bước. Các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa. Ví dụ, mình thắc mắc thì mình cũng phải chủ động hỏi xem đó là cái gì để mình có thể chuẩn bị”, ông Trương Vĩnh Khang nêu ý kiến.
Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng được các quy định của ESG cần một quá trình dài làm rất nhiều năm, cần có sự chuẩn bị, thực hiện, phối hợp, học hỏi lẫn nhau. Các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm như: tối ưu hóa quá trình vận chuyển, logistics; đo lường và giảm thải khí thải carbon; sử dụng các phương tiện xanh thân thiện với môi trường; quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững;… Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh cùng các chính sách hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tín dụng.