Xây dựng “văn hóa uống”, đặc biệt là đồ uống có cồn là rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, việc lạm dụng đồ uống có cồn đã gây nhiều hậu quả đáng tiếc cần phải được điều chỉnh.
Trên thế giới, nhiều dân tộc coi uống rượu là một nghi thức xã giao, thì ở nước ta nhiều người lại hướng đến một cuộc vui… bát ngát.
Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành kinh tế đồ uống đã đóng góp lớn cho ngân sách với khoảng 3,2% tổng thu ngân sách năm 2020. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp…
Chủ tịch VBA, ông Nguyễn Văn Việt, cho rằng nhiều nhà máy được phân bổ hầu khắp các tỉnh thành và ngành đồ uống luôn đóng góp lớn cho ngân sách. “Uống có văn hóa là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Cũng cần kiến nghị chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn, trong đó có các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…)” – ông Việt nói.
Uống rượu là một trong những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đã tồn tại từ lâu đời. Tuy nhiên, việc uống rượu, bia, uống vào thời điểm nào, cách uống ra sao để thực sự có văn hóa, không tạo ra phản cảm với gia đình và xã hội thì vẫn chưa được nhiều người quan tâm.
Theo PGS Nguyễn Toàn Thắng – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển phải hình thành văn hóa uống, nói rộng ra là văn minh ẩm thực. Cần chú trọng tuyên truyền hướng dẫn, xây dựng các chuẩn mực văn hóa uống trong cộng đồng, nêu cao trách nhiệm của người tiêu dùng ứng xử văn minh, sử dụng đồ uống một cách lịch sự, an toàn. Nhìn chung, cần phải có sự chừng mực, uống có trách nhiệm, uống văn minh, lấy niềm vui là chính, không thúc ép và hơn thua trên bàn tiệc.
Nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền về văn hóa uống, uống có trách nhiệm với cộng đồng, ông Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, việc sử dụng rượu, bia trong đời sống xã hội rất dễ gặp những hình ảnh thiếu văn hóa. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông về văn hóa uống, uống có trách nhiệm với cộng đồng.
“Bên cạnh việc ngăn chặn sự lan truyền của những hành vi xấu về sử dụng rượu, bia, truyền thông về văn hóa uống cần đặt mục tiêu giúp nâng cao nhận thức của người dân. Để từ đó, việc sử dụng thức uống có cồn này trở thành một nét đẹp văn hóa” – ông Lợi nói.