13 năm sau thương vụ bán mình gần 2.000 tỷ, nhà máy bia lớn nhất miền Trung vẫn “đẻ trứng vàng” bất chấp thị phần không tăng

Theo số liệu vừa công bố, năm 2023, doanh nghiệp sản xuất bia này đã nộp vào ngân sách tỉnh 3.500 tỷ đồng, chiếm 86,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài.

Thương vụ thâu tóm nhà máy bia với giá gần 2.000 tỷ đồng.

Được thành lập vào năm 1990 dưới tên gọi nhà máy Bia Huế, công suất ban đầu 3 triệu lít/năm, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu giải khát của người dân thành phố Huế lúc bấy giờ. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn do máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu, năng lực sản xuất thấp và thiếu những sản phẩm chất lượng cao.

Nhằm tìm ra lối thoát, đa phần các doanh nghiệp này đều chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ.

Năm 1994, nhà máy bia Huế chính thức liên doanh với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch), mỗi bên góp 50% vốn (khoảng 9 triệu USD). Từ đó, Công TNHH Bia Huế (Huda) chính thức ra đời.

Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bán toàn bộ 50% phần vốn tại công ty này với giá 1.875 tỷ đồng cho Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch). Sau thương vụ bán vốn, doanh nghiệp bia nổi tiếng này đã chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Carlsberg.

Về số tiền 1.875 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí chuyển nhượng 545 triệu đồng, thuế thu nhập 411 tỉ đồng. Số tiền còn lại 1.250 tỉ đồng đã được phía Đan Mạch chuyển đủ và đã được chi cho đầu tư hạ tầng và các dự án trọng điểm của địa phương.

13 năm sau thương vụ bán mình gần 2.000 tỷ, nhà máy bia lớn nhất miền Trung vẫn "đẻ trứng vàng" bất chấp thị phần không tăng - Ảnh 1.

Nhà máy Bia Huế. Nguồn: Internet

Một thế lực trong làng bia Việt

Dù nằm ở Huế, song bia Huế là một trong bốn “đại gia” trong làng bia Việt Nam, cùng các tên tuổi Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam.

Đầu năm 2006, mặc dù sản lượng của Công ty lúc này đã đạt 70 triệu lít/năm, nhưng do nắm bắt được thị hiếu của khách hàng nên sản phẩm sản xuất ra đến đâu bán hết ngay đến đó, tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu diễn ra thường xuyên.

Trước đòi hỏi của thị trường,tháng 9/2006, giai đoạn 1 của nhà máy bia Phú Bài đã được khởi công xây dựng. Trong một thời gian ngắn, giai đoạn 1 của nhà máy bia Phú Bài với năng lực sản xuất 80 triệu lít/năm đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định, cho ra đời các sản phẩm đạt chất lượng cao.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau đó, tình trạng cung không đủ cầu lại tiếp tục diễn ra. Trước nhu cầu lớn của thị trường về bia Huda, công ty lại một lần nữa đầu tư xây dựng để mở rộng sản xuất.

Sau 12 tháng thiết kế, xây dựng, lắp đặt và chạy thử, đến tháng 4/2010, dự án nhà máy bia Phú Bài giai đoạn 2 đã hoàn thành, đưa vào chạy thử đạt chất lượng, nâng tổng công suất sản xuất của công ty lên 230 triệu lít/năm, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ bia trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

13 năm sau thương vụ bán mình gần 2.000 tỷ, nhà máy bia lớn nhất miền Trung vẫn "đẻ trứng vàng" bất chấp thị phần không tăng - Ảnh 2.

Bia Huda bên trong nhà máy, nguồn: Internet

Thực tế sức tiêu thụ loại bia hiệu Huda của Bia Huế không chỉ chiếm vị trí số 1 tại thị trường Thừa Thiên – Huế (98%) mà còn hàng đầu của khu vực bắc miền Trung: 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh, 20% ở Nghệ An.

Thời điểm đó, thị phần Bia Huế chiếm khoảng 8% toàn thị trường.

Bia vẫn là một trong những nguồn thu chính của tỉnh Thừa Thiên Huế

Trước thời điểm bán toàn bộ cho Carlsberg vào năm 2011, Bia Huế là một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, thường xuyên là đơn vị đóng góp ngân sách lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế, chiếm 1/3 tới 1/2 tổng thu ngân sách.

Năm 2010, công ty nộp ngân sách 850 tỷ đồng và lãi trước thuế TNDN khoảng 409 tỷ đồng. Kể từ sau khi về tay Carlsberg, liên tiếp trong nhiều năm, Bia Huế vẫn là một trụ cột đóng góp cho ngân sách địa phương, chiếm 25%-30% thu ngân sách tỉnh.

Ngày 24/1/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, doanh thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 1.400 triệu USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh. Trong đó, riêng đóng góp của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là 3.500 tỷ đồng, chiếm 86,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài.

13 năm sau thương vụ bán mình gần 2.000 tỷ, nhà máy bia lớn nhất miền Trung vẫn "đẻ trứng vàng" bất chấp thị phần không tăng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: vir.com.vn

Thị phần không tăng sau 13 năm nhưng tăng trưởng ngược dòng, bất chấp “ngày tàn bia rượu”

Sau khi về tay Carlsberg, tập đoàn nổi tiếng thế giới này không ngừng đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy bia Huế.

Hiện nay, với tổng diện tích 116,935.4 m2, nhà máy bia Carlsberg tọa lạc ở Khu công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) là một trong những nhà máy bia lớn nhất miền Trung, là nơi ra đời của các thương hiệu thuộc Carlsberg Việt Nam như Huda, Huda Gold.

Nhà máy có công suất đạt đến 360 triệu lít/năm, nâng công suất của Carlsberg đủ sức đáp ứng nhu cầu của toàn khu vực miền Trung.

Đầu năm 2016, Carlsberg khánh thành dây chuyền sản xuất bia lon mới nhập khẩu từ Đức, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 6,4 triệu Euro.

Ở thời điểm thâu tóm nhà máy Bia Huế, thương hiệu này đang chiếm khoảng 8% thị phần tại Việt Nam. Sau 13 năm, Carlsberg vẫn đang chiếm khoảng 8% thị phần ngành bia Việt Nam. Tuy nhiên, hãng cũng nhận định còn nhiều cơ hội kinh doanh cũng như định hướng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây.

Trong năm 2023, trước áp lực thổi nồng độ cồn và cắt giảm chi tiêu do suy thoái kinh tế, Carlsberg vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, mang lại mức tăng trưởng sản lượng cao (8%) trong bối cảnh thị trường chung ước giảm gần hai con số.

13 năm sau thương vụ bán mình gần 2.000 tỷ, nhà máy bia lớn nhất miền Trung vẫn "đẻ trứng vàng" bất chấp thị phần không tăng - Ảnh 4.

Nhà máy Carlsberg Việt Nam. Ảnh: alphacorp.com.vn

Nguồn: Cafebiz.vn