Nhu cầu nhiên liệu sinh học sử dụng cho các phương tiện như xe tải và máy bay đang bùng nổ trên toàn cầu, có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu hụt dầu thực vật, sử dụng để nấu ăn và chế biến thực phẩm. Vấn đề này đang đốt nóng cuộc tranh luận ưu tiên dầu ăn cho thực phẩm hay nhiên liệu.
Nhu cầu tăng cao đến mức các nhà sản xuất đang săn lùng dầu ăn đã qua sử dụng và cặn dầu cọ để làm nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học.
Nhưng nhu cầu này đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung. Hạn hán nghiêm trọng tàn phá hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Argentina, nước xuất khẩu dầu đậu nành hàng đầu thế giới. Ở châu Âu, việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu có độc tính với ong làm hạn chế sản lượng dầu ăn từ cây cải dầu vốn phụ thuộc vào loài ong để thụ phấn. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cắt giảm dầu hướng dương xuất khẩu từ hai nước này.
Theo Thomas Mielke, Giám đốc điều hành của Oil World, có trụ sở tại Hamburg (Đức), với tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu thực vật dự kiến chậm lại, cơn bùng nổ nhu cầu nhiên liệu sinh học có thể đẩy thị trường toàn cầu vào tình trạng thiếu hụt dầu ăn trong nửa cuối năm nay.
Mielke cho biết, nhiên liệu sinh học chiếm thị phần lớn trong thị trường dầu thực vật nhưng chỉ là một phần nhỏ trong thị trường năng lượng. Ông lo ngại các mục tiêu nhiên liệu sinh học tham vọng vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Mỹ, châu Âu, Brazil và Indonesia đóng góp hầu hết mức tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu diesel sinh học, dầu diesel tái tạo và nhiên liệu sinh học cho máy bay. Mỹ sử dụng hỗn hợp các nguyên liệu như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật để sản xuất nhiên liệu sinh học. Indonesia chủ yếu sử dụng dầu cọ để sản xuất dầu diesel sinh học, trong khi Brazil sử dụng dầu đậu nành.
Nhu cầu nhiên liệu sinh học cao sẽ mang lại lợi ích cho dầu cọ, một sản phẩm bị châu Âu giám sát trong những năm gần đây trong bối cảnh có nhiều báo cáo về nạn phá rừng và sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất dầu cọ. Theo James Fry, Chủ tịch của công ty tư vấn nông nghiệp LMC International, thị trường dầu cọ có thể không đáp ứng kịp nhu cầu nhiên liệu sinh học. Sản lượng dầu cọ ở Indonesia và Malaysia, chiếm 85% nguồn cung thế giới, đang chững lại do chậm trồng thay thế những cây cọ dầu già cỗi và kém năng suất cũng như thời tiết bất lợi.
Dorab Mistry, một thương nhân kỳ cựu trong ngành dầu cọ, cho rằng mối đe dọa đối với nguồn cung, đặc biệt là từ biến đổi khí hậu, sẽ đẩy giá nông sản lên cao và kìm hãm nỗ lực chuyển đổi thực phẩm thành nhiên liệu của thế giới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu sinh học và tình trạng khủng hoảng nguyên liệu thô sắp xảy ra, nếu không được giải quyết, sẽ làm suy yếu tiềm năng đóng góp của nhiên liệu sinh học cho nỗ lực khử carbon toàn cầu.
Theo Thomas Mielke, các mục tiêu về nhiên liệu sinh học phải linh hoạt và và sẵn sàng điều chỉnh trong trường hợp nguồn cung dầu thực vật bị sốc.
Năm ngoái, cuộc xung đột Nga- Ukraine đã làm gián đoạn thương mại dầu hướng dương toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu dầu cọ và dầu đậu nành, đẩy giá của chúng lên mức cao kỷ lục. Ngay cả khi đó, hầu hết các nước không nới lỏng chính sách nhiên liệu sinh học, dẫn đến người dân, chủ yếu từ các nước đang phát triển, phải hạn chế sử dụng dầu ăn vì giá đắt đỏ và thiếu nguồn cung.
Mielke nói: “Trong thời kỳ thiếu hụt nguồn cung, các hạn chế nhu cầu dầu thực vật không nên chỉ đặt lên người tiêu dùng thực phẩm. Đây là một bài học mà chúng ta phải rút ra từ tình trạng nguồn cung căng thẳng vào năm ngoái”.