Cầm cốc bia Hà Nội nhớ về Nhà máy bia “Ô Mền”

Hàng ngày ta thấy nhiều người nhâm nhi vại bia, nhất là bia hơi Hà Nôi, nhưng bia “vào” Việt Nam khi nào và đặc biệt nhà máy bia hiện diện trên phố Hoàng Hoa Thám từ khi nào thì chắc không nhiều người biết.

Trong số các ngành sản xuất ở Việt Nam do “Tây” đưa vào thì bia là một ngành có tuổi đời cao vào loại nhất, khoảng hơn 130 năm tuổi. Giống như báo chí, ngân hàng, điện thoại,.. thì bia là một trong số những thứ mới mẻ mà người Pháp đã mang đến Việt Nam, mà Hà Nội là một trong những nơi khởi đầu. Bởi những thứ đó khi người Pháp chưa sang thì Hà Nội nói riêng và xứ Đông Dương nói chung chưa có.

So với các công trình mà người Pháp làm tại Hà Nội như cầu Long Biên (1899-1902), Nhà hát Lớn (1901-1911), khách sạn Metropol (1901) thì nhà máy bia Hà Nội có sớm hơn nhiều.

Cầm cốc bia Hà Nội nhớ về Nhà máy bia "Ô Mền" - Ảnh 1.

Nhà máy bia Hommel đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

Nhà máy bia Hà Nội thành lập từ năm 1890, có trước cầu Long Biên và khách sạn Metropol cả chục năm, còn trước Nhà hát Lớn đến hơn hai chục năm. Chắc nhẽ, uống bia với người “Tây” còn quan trọng hơn khách sạn để nghỉ hay nhà hát để thưởng thức nghệ thuật!

Nhà máy bia Hà Nội khi ra đời được gọi là Nhà máy bia Hommel. (Dân dã quen gọi là bia “Ô mền”).

Kiến trúc Hà Nội xưa: Ai học ai?

Nhà máy bia ban đầu được được ông Hommel xây dựng trên một quả đồi ở làng Vạn Phúc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Ban đầu, nhà máy sản xuất với sản lượng rất ít, chỉ với 150 lít/ngày với đội ngũ công nhân chỉ có 30 người.

Sản phẩm của Nhà máy lúc đầu chủ yếu phục vụ cho người Pháp. Bởi lẽ cái thứ nước uống “óng ánh, vàng vàng, đăng đắng” khi ấy hoàn toàn xa lạ với phần lớn người An Nam!

Không phải ngẫu nhiên ông Hommel và người Pháp lại đặt nhà máy bia tại khu đất này. Nó có nguyên nhân là do là nguồn nước rất phù hợp để nấu bia. Bởi bia có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước sử dụng để nấu bia ấy.

Trong khuôn viên nhà máy người ta khoan các giếng để lấy nước ngầm nấu bia. Những nhà chuyên môn về bia của Pháp khi ấy vô cùng ngạc nhiên về chất lượng nguồn nước ở đây.

Cầm cốc bia Hà Nội nhớ về Nhà máy bia "Ô Mền" - Ảnh 3.

Đóng bia vào chai tại nhà máy Bia Hommel đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

Đến năm 1911, nhà máy mở rộng thêm và chuyển đổi thành Công ty với số vốn điều lệ lên đến 1.000.000 phờ – răng. Đây là một số tiền rất lớn khi đó.

Cùng với việc nhà máy mở rộng và tăng công suất thì nhân lực cũng tăng theo. Công nhân nhà máy lúc này khoảng 80 người. Các công nhân đó đa số là những người làng xung quanh nhà máy như các làng Đại Yên, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thụy Khuê.

Một đặc điểm ở nhà máy bia Hommel không giống với nhiều xí nghiệp của người Pháp ở Hà Nội khi ấy là nhà máy bia Hommel không có công nhân người Hoa. Nhà máy chỉ toàn công nhân người Việt.

Đầu thế kỷ XX, diện tích nhà máy bia Hommel đã trải rộng tới 4,25ha, trên  đó xây 4 ngôi nhà ở và 19 xưởng sản xuất. Với quy mô ngày một lớn, nhà máy sản xuất được 700.000 lít/năm và dần chiếm được niềm tin của toàn bộ khách hàng ở các nước xứ Đông Dương và sang cả Vân Nam (Trung Quốc).

Đến năm 1935, các nhà máy bia ở Đông Dương hợp doanh lại thành Công ty Bia – Đá Đông Dương (tiếng Pháp là Société de la Brasserie et Glacière de l’Indochine). Lúc này, nhà máy Bia Hommel đã phát triển với khoảng 300 công nhân. Ngoài khách hàng là người Âu thì lượng khách hàng người Việt ngày một tăng.

Thế là người Việt hàng trăm năm qua chỉ quen uống rượu gạo “đóng chai nút lá chuối khô” đã quen và “khoái” uống bia Tây!

Cầm cốc bia Hà Nội nhớ về Nhà máy bia "Ô Mền" - Ảnh 4.

Biệt thự trong khuôn viên nhà máy là nơi ở của ông chủ Alfred Hommel. Ảnh tư liệu.

Kể cả những năm kinh tế bên Pháp khủng hoảng, kéo theo kinh tế các xứ thuộc địa giảm sút theo thì nhà máy bia Hommel vẫn chạy và tăng trưởng đều đều. Tới năm 1940, Nhà máy Bia Hommel đã sản xuất được khoảng 5 triệu lít/năm.

Sau sự kiện toàn quốc kháng chiến diễn ra từ ngày 19/12/1946, nhà máy bia bị thiệt hại, phải giảm công suất. Tuy nhiên chỉ ít tháng sau nhà máy đã khôi phục lại sản xuất rất nhanh và đạt công suất tới 400.000 lít/tháng.

Lúc này công nhân nhà máy bia Hommel đã lên tới 350 người, trong đó chỉ có 06 (sáu) người Âu, còn lại toàn bộ là người Việt Nam.

Năm 1954, sau khi ký Hiệp định Genève, hoà bình lập lại trên miền Bắc, quân Pháp rút về nước, chủ nhà máy cũng tháo dỡ máy móc, để lại Nhà máy trong tình trạng hoang phế…

Đến năm 1957, Nhà máy được khôi phục theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội. Ngày 15/8/1958, chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời tại nhà máy này.

Năm 2007 cháu nội của Alfred Hommel là ông Patrice Hommel đi du lịch đến Hà Nội . Trong một lần đi qua phố Hoàng Hoa Thám, ông Patrice Hommel đã tình cờ nhìn thấy dòng chữ Alfred Hommel trên cổng cũ Nhà máy Bia Hà Nội tại số 183 phố Hoàng Hoa Thám. “Tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng vì đã tìm thấy nơi gia đình tôi đã từng sống và làm việc” ông Patrice Hommel chia sẻ với báo chí. Nhà máy Bia Hommel nơi ông nội và bố của ông ấy đã làm việc chính là đây…

Hơn 130 năm đã trôi qua nhưng dấu tích của nhà máy bia Hommel vẫn còn lưu lại trên khuôn viên của Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội. Khu nhà điều hành hiện nay chính là nơi gia đình ông bà Alfred Hommel từng sống, phòng kỹ thuật của Nhà máy nằm trên ngọn đồi nơi có ngôi nhà xây dựng từ thời Pháp.

Bia Hà Nội đã từng có lịch sử trên trăm năm như thế…

Theo Dân Việt