Cần có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp đồ uống phục hồi và phát triển

Ngày 19/9/2023, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có Công văn số 81/CV-VBA gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình khó khăn của ngành đồ uống.

          Phúc đáp văn bản số 2138/UBKT15, ngày 30/8/2023 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành đồ uống, Hiệp hội xin báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc của ngành đồ uống và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đồ uống.

          Ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế – kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo sự ổn định của thị trường. Các doanh nghiệp thuộc ngành luôn tuân thủ pháp luật, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, ước tính 60 ngàn tỷ đồng/năm. Các nhà máy phân bố hầu khắp các tỉnh thành phố cả nước (51 tỉnh thành phố), tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đồng thời luôn tiên phong trong công tác phát triển bền vững, bảo vệ mội trường, làm tốt trách nhiệm đối với xã hội v.v.

          Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm từ 15% – 20%. Ảnh hưởng của hậu Covid 19 dẫn tới các ngành hàng nói chung đều cắt giảm lao động do đơn hàng giảm, người dân phải thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, xung đột Nga-Ukraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực tới nguồn nguyên liệu của ngành đồ uống, giá nguyên nhiên vật liệu tăng từ 15%-30% ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tăng giá bán từ 8-10% cao hơn tỷ lệ lạm phát 4%, cao hơn mức tăng giá trung bình của ngành hàng tiêu dùng 8% đề bù đắp lại các chi phí tăng thêm và dẫn đến sức mua giảm kéo theo sản lượng sản xuất giảm.

Ngành đồ uống chịu tác động của nhiều chính sách dẫn tới hạn chế tiêu dùng sản phẩm đồ uống như Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác động tới việc giảm tiêu thụ rượu, bia trong các nhà hàng, quán ăn,v.v. Ngành đồ uống có cồn không được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm VAT 2%. Thêm nữa, từ ngày 01/01/2024 các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm đóng góp phí bảo vệ môi trường (EPR) không nhỏ để tái chế bao bì trong điều kiện doanh nghiệp đang lỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Hiện nay, tình trạng đồ uống có cồn không chính thống đang lưu thông chiếm tới 63.9% tổng lượng tiêu thụ (WHO 2021). Gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đã tồn tại nhiều năm mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.

Thêm vào đó, số liệu ngành không nhất quán, cùng là nguồn số liệu từ Niên giám thống kê năm 2022 sản lượng bia của Việt Nam lần đầu công bố trên trang mạng là 6.107,1 triệu lít  nhưng sau đó lại đính chính lại là 4.409,6  triệu lít gây dư luận không tốt, diễn giải tiêu cực và cơ quan nhà nước hiểu sai về ngành từ đó đánh giá không chính xác về ngành, dẫn tới bất cập trong việc xây dựng chính sách quản lý, thuế và ảnh hưởng rất lớn về ngành.

Trong thời gian tới dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ được bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp luật năm 2024 theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 28/7/2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10.2024) theo hướng tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn và xem xét bổ sung mặt hàng Nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Từ những khó khăn trên, thay mặt các doanh nghiệp đồ uống, Hiệp hội có một số kiến nghị gửi tới Ủy ban Kinh tế như sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch COVID-19 và chưa phục hồi rõ nét, ổn định, sức khỏe của doanh nghiệp rất đáng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế chung. Trong khi Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thực hiện và xem xét chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi trong năm 2023, 2024. Hiệp hội đề nghị xem xét chưa tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia đến năm 2026; không bổ sung mặt hàng Nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch.

Thứ hai, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ, ngành bán lẻ phát triển vì đây là những ngành hàng quan trọng trong chuỗi.

Thứ tư, cân nhắc áp dụng chính sách giảm thuế VAT ngành đồ uống trong năm 2024 để tạo sự đồng bộ, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp đang cùng đối với mặt với những khó khăn chung như kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua.