Công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong nhóm các ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế phát triển, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là yếu tố tiên quyết góp phần sản xuất bền vững.
Đảm bảo ATTP là vấn đề quan trọng đối với đời sống xã hội, sức khỏe người dân, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Luật An toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải đảm bảo nhiều yếu tố: Có địa điểm, diện tích thích hợp; có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển…
Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đã hình thành được nhiều sản phẩm có thương hiệu gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Trong đó, một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng trung bình hàng năm tương đối lớn như: Chè chế biến 55.000 tấn; mì chính 34.000 tấn; bia các loại trên 70 triệu lít… Tỉnh ta hiện có trên 55 cơ sở chế biến chè có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó có 20 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACC; khoảng 300 cơ sở chế biến thịt, sản phẩm từ thịt (thịt chua, giò chả, xúc xích, thịt hộp…), trên 20 doanh nghiệp chế biến thực phẩm (nấm ăn, tương, bánh, tinh bột…).
Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến chè xanh và chè đen với sản lượng trên 1.000 tấn chè thành phẩm/năm. Năm 2023, sản phẩm trà đinh cao cấp Hoài Trung được công nhận đạt tiêu chuẩn năm sao cấp quốc gia. Bà Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm, Công ty chú trọng vấn đề này trong các khâu sản xuất. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, Công ty đã đẩy mạnh liên kết với các hộ trồng chè, hướng dẫn hộ dân về kỹ thuật canh tác an toàn góp phần đảm bảo nguyên liệu. Cùng với sản phẩm chè đen, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh, nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm trà đóng gói trong túi lưới lọc bằng dây chuyền công nghệ cao của Nhật Bản. Công ty được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng ISO 22000:2018 và đạt các yêu cầu về ATTP theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Để đảm bảo ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tăng cường; tập trung kiểm tra hậu kiểm đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Trong tháng hành động vì ATTP năm 2023 (từ 15/4 đến 15/5), trên địa bàn tỉnh có 1.998 cơ sở thực phẩm được thanh tra, kiểm tra ở cả ba tuyến xã, huyện, tỉnh; trong đó trên 90% số cơ sở được kiểm tra đạt ATTP. Cùng với đó, các ngành chức năng và các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng; sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hồng Chi Foods, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất thịt chua, nem sợi cho biết: “Đặc thù sản xuất của Công ty là thực hiện theo công nghệ nhưng vẫn có bí quyết riêng, nhất là ở khâu trộn gia vị, trộn thính nên sản phẩm có đặc trưng riêng. Công ty lựa chọn nguyên liệu đạt chuẩn để sản xuất; thực hiện lên men tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản. Chúng tôi kết hợp yếu tố kinh nghiệm, truyền thống và chuẩn hóa quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm với chất lượng ổn định, đảm bảo ATTP góp phần xây dựng nên thương hiệu”.
Trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra ở các công đoạn của chuỗi cung cấp, từ các tác nhân vi sinh vật, hóa chất độc hại, quá trình sơ chế, bảo quản, vận chuyển… Vì vậy, nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện đúng quy định của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất góp phần bảo đảm ATTP và sản xuất bền vững, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.