Hàng trăm doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống thông qua các đại diện của mình bày tỏ lo ngại về khái niệm “đồ uống có đường” vì có thể nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe cũng bị đánh thuế.
Cụ thể, trong dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có nội dung đề xuất “bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn… vào các mặt hàng chịu thuế TTĐB”.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần đánh thuế TTĐB với các sản phẩm đồ uống chứa nhiều đường, hương liệu pha đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng cũng cần phải rõ ràng trong định nghĩa, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp.
Phân biệt đồ uống có lợi và đồ uống nhiều đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-3, ông Trần Quang Trung, chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, cho biết hiệp hội này vừa có công văn gửi Bộ Tài chính bày tỏ lo ngại về dự thảo Luật thuế TTĐB về nội dung đưa “đồ uống có cồn” phải chịu loại thuế này.
Ông Trung cho rằng nội dung trên chưa phù hợp với điều kiện tại VN, chưa có cơ sở khoa học, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và nếu được thông qua sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân.
Ông Trung chỉ ra: “Khái niệm “đồ uống có đường” trong dự thảo có thể hiểu là tất cả các sản phẩm, không chỉ nước giải khát mà còn gồm sữa, sữa dinh dưỡng cho trẻ em, sữa cho bà bầu… là những sản phẩm rất cần thiết cho các đối tượng nói trên sử dụng hằng ngày. Nếu áp dụng thuế TTĐB, giá mặt hàng trên sẽ tăng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, sự phục hồi của người già, người bệnh. “Việc đánh thuế TTĐB với đồ uống có cồn mà không loại trừ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe là chưa đúng với mục tiêu của luật và chủ trương của Nhà nước là tăng cường nâng cao sức khỏe toàn dân”, ông Trung cho hay.
Không chỉ có các doanh nghiệp ngành sữa, nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác cũng bày tỏ sự lo ngại về phạm vi quá rộng của khái niệm “đồ uống có đường” sẽ gây khó cho kinh doanh nếu bị đánh thuế TTĐB.
Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM (FFA) cũng mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan bày tỏ “hết sức quan ngại với đề xuất bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân, do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh khác.
Đại diện FFA cho biết dự thảo Luật thuế TTĐB còn rất nhiều vấn đề bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục và hợp lý, không phù hợp với điều kiện tại VN cũng như thông lệ quốc tế. Nếu không xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua sẽ mang lại hệ lụy rất lớn cho sự phục hồi, phát triển của nhiều ngành hàng cũng như đời sống người dân.
Khái niệm “đồ uống có đường” ở đây sẽ là những mặt hàng cụ thể nào, trong khi phạm vi của khái niệm này là rất rộng và chưa có trong bất cứ văn bản pháp luật nào của VN. Khái niệm này được hiểu là “tất cả các sản phẩm dùng để uống được và có đường đều sẽ là đối tượng áp dụng luật này”. Trong đó có thể bao gồm: nước ngọt có gas, nước trái cây, nước ép rau quả, nước tăng lực, cà phê… và các loại nước uống dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như sữa và sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và người già, dinh dưỡng y tế cho bệnh nhân, siro thuốc…
Cần nghiên cứu kỹ hơn tác động
Theo ông Nguyễn Văn Thứ – giám đốc Công ty GC Food (Đồng Nai), phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), công ty đang làm các sản phẩm nha đam, thạch dừa xuất khẩu sang Nhật Bản và các loại nước từ trái cây nhiệt đới tiêu dùng trong nước. Đa số các sản phẩm công ty có một ít đường trong thức uống nhưng để bổ sung vào các nguyên liệu khác như trái cây, các đồ uống mát, thảo dược… tốt cho sức khỏe, không phải loại có gas. “Sản phẩm của chúng tôi dùng đa số là nguyên liệu tự nhiên từ nông sản, tốt cho sức khỏe, có bổ sung đường, khác với các loại đồ uống chỉ lấy hương liệu là chính. Nếu sắp tới thu thuế với nước uống có đường thì quá chung chung, không khuyến khích chế biến sau thu hoạch cho nông sản”, ông Thứ nói.
Theo FFA, khái niệm “nước giải khát và thức uống đại mạch” cũng nằm trong phạm vi của khái niệm đồ uống có đường và việc Bộ Tài chính đề xuất thức uống đại mạch là đối tượng chịu thuế vì “nguyên liệu, hình thức, mùi vị giống bia” có thể gây hại cho sức khỏe là bất hợp lý và không đủ cơ sở thuyết phục. Việc áp thuế đối với mặt hàng này sẽ gây nản lòng các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các biện pháp tiên tiến để thay rượu bia bằng các sản phẩm không cồn nhằm giúp người tiêu dùng có thêm các biện pháp để bảo vệ sức khỏe.
Bởi việc tăng thuế này sẽ đẩy doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vào thế đã khó nay càng khó hơn khi cùng một lúc chịu nhiều áp lực, chi phí tăng cao, trong khi khả năng tiêu thụ sản phẩm của người dân sụt giảm. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp ngoại trong thời điểm các hiệp định thương mại quốc tế mà VN tham gia ký kết có hiệu lực sẽ sụt giảm mạnh, nhất là khi nhiều nước trên thế giới đa số đều không đánh thuế TTĐB đối với nhóm này.
Từ những lý do trên, FFA kiến nghị xem xét chỉ đánh thuế TTĐB khi có nghiên cứu đầy đủ hơn cho thấy hiệu quả của chính sách thuế trong việc giảm tình trạng thừa cân, béo phì đúng với mục tiêu đề ra của sắc thuế.
Nếu sau khi nghiên cứu và có báo cáo kết luận chứng minh đầy đủ cơ sở khoa học thì xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định cần điều chỉnh, hoặc sản phẩm sử dụng hoàn toàn hương liệu nhân tạo, các chất làm ngọt, tương tự như cách làm của một số nước Đông Nam Á.
Ông Trần Quang Trung cũng cho biết Hiệp hội Sữa VN đề nghị Bộ Tài chính bổ sung “loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa” trong dự thảo luật để tránh nhầm lẫn đánh thuế TTĐB lên sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe. Ngoài ra chưa mở rộng đối tượng chịu thuế để không thêm gánh nặng cho người dùng, doanh nghiệp; chỉ đánh thuế đúng sản phẩm có chứng minh khoa học là có hại đúng với mục tiêu sắc thuế.
Theo Tuổi trẻ online