Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Phát thải từ ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay.

Ngày 15/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo tập huấn về “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Dự án SPI-NDC của JICA tổ chức.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật cho cơ quan quản lý có liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu theo Cam kết quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC).

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp. Sau đó Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã đưa ra danh sách các đơn vị sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này.

Từ tháng 10/2023, hàng loạt sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Quy trình sản xuất, bao gồm các đầu vào như phân bón, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phát thải toàn tổng lượng phát thải của hệ thống thực phẩm

Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC khẳng định, môi trường kinh doanh đang thay đổi, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng và nâng cao tính cạnh tranh của mình. Trong bối cảnh Việt Nam cũng đã có những chính sách lớn làm thay đổi môi trường kinh doanh như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06… cùng hàng loạt các văn bản được ban hành nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26, điều này cũng đã có những tác động và liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống. Vậy làm thế nào để tính toán phát thải, để tối ưu hóa các giải pháp giảm nhẹ, làm thể nào để quá trình sản xuất của doanh nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn?… sự tận dụng cơ hội này để chúng ta có thể thay đổi cũng như tạo ra những giá trị trong kinh doanh.

Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tiếp tục thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật về biến đổi khí hậu “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dư án SPI-NDC)” với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu từ năm 2021. Hội nghị tập huấn cho ngành thực phẩm và đồ uống với trọng tâm chiến lược nhằm cung cấp kiến thức thực tế cho các đơn vị nhằm giám sát được hoạt động phát thải của doanh nghiệp cũng như các ngành kinh tế mà một trong những trụ cột chính là vai trò của các tổ chức tư nhân để tăng cường hơn nữa thế mạnh của khu vực tư nhân.

Bà Akiko Ishii, chuyên gia kỹ thuật, dự án JICA SPI-NDC cho biết, hiện nay các hệ thống chế biến thực phẩm toàn cầu ngày càng sử dụng nhiều năng lượng. Điều này thể hiện thông qua xu hướng gia tăng trong các hoạt động bán lẻ, đóng gói, vận chuyển và chế biến khiến lượng khí thải tăng lên nhanh chóng ở một số nước đang phát triển.

Phát thải từ ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay.

Quy trình sản xuất, bao gồm các đầu vào như phân bón, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phát thải toàn tổng lượng phát thải của hệ thống thực phẩm. Việc sản xuất và chế biến thực phẩm, vận chuyển và lưu trữ, cũng như xử lý chất thải thực phẩm. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, năng lượng cần thiết cho chế biến thực phẩm và vận chuyển các sản phẩm thực phẩm.

Cùng với đó, bao bì cũng chiếm một tỉ lệ tương tự trong lượng khí thải, khoảng 5,4%, nhiều hơn so với vận chuyển hoặc các yếu tố chuỗi cung ứng khác. Chính vì vậy, việc thực hành kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Với khung pháp lý liên quan đến nội dung báo cáo khí phát thải khí nhà kính, chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp một nền tảng kiến thức chung nhất về các quy định có liên quan về báo cáo khí phát thải nhà kính, cũng như những phương pháp xác định cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực. Thông qua đó, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.

Việc thực hiện xác định và kiểm kê khí nhà kính cũng là một động thái để doanh nghiệp rà soát lại các hoạt động kinh doanh sản xuất của mình. Từ đó sẽ có những điều chỉnh cắt giảm cho phù hợp với mục tiêu hoạt động cũng như phòng ngừa và quản lý rủi ro hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo điện tử Công Thương