Gần 5.600 điều kiện kinh doanh làm băng hoại môi trường đầu tưGần 5.600 điều kiện kinh doanh làm băng hoại môi trường đầu tư
Gần 5.600 điều kiện kinh doanh làm băng hoại môi trường đầu tư
(TBKTSG Online) – Môi trường đầu tư ở Việt Nam đang bị băng hoại bởi 5.585 điều kiện kinh doanh do các cấp chính quyền ban hành trái pháp luật, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
Trông chờ vào sự thay đổi…
Số liệu mà ông Cung – diễn giả chính của Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 22-4 tại Nghệ An – đưa ra làm “choáng váng” nhiều người tham dự là đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế.
Ông Cung cho biết, trong số các điều kiện kinh doanh này có hàng ngàn điều kiện được đưa ra trong các thông tư, hay các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí cấp huyện, xã.
“Những điều kiện kinh doanh đó là rào cản doanh nghiệp gia nhập thị trường. Người “biết” thì “xin” được, người “không biết” thì không. Điều đó làm làm thui chột sáng tạo trong kinh doanh”, ông nói.
“Ai không đáp ứng được điều kiện (mà vẫn kinh doanh), thì bị coi là không tuân thủ pháp luật; họ không được làm, bị xử phạt, và có thể bị phạt tù”, ông nhận xét.
Ông Cung nhận xét, Hiến pháp mới khẳng định, người dân được tự do kinh doanh tất cả những gì luật không cấm; và Luật đầu tư đã xác định rõ 6 ngành nghề cấm kinh doanh, và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thêm nữa, chỉ có Chính phủ, Quốc hội, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền đặt điều kiện kinh doanh từ các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp nghị định trở lên, theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Vì lẽ đó, ông nói: “Có hàng ngàn điều kiện kinh doanh không phù hợp mục tiêu trên, được ban hành trái thẩm quyền thì đương nhiên bị bãi bỏ, không có hiệu lực từ 1-7 tới (là thời điểm Luật Doanh nghiệp và Đầu tư có hiệu lực)”.
Chỉ vào một hình ảnh dây điện rối loằng ngoằng, ông Cung nói: “Điều kiện kinh doanh rối tung như mớ dây điện này thì phải đập bỏ, phải chém bỏ thì mới thay đổi được, chứ không thể tháo ra từng dây được”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu hỏi ngang: “Vậy ai chịu trách nhiệm với tình trạng như vậy?”.
Ông Cung đáp: “Chính bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Làm sai thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cục trưởng, chuyên viên”.
Mất 25 năm mệt mỏi
Bài trình bày của ông Cung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế.
Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Là đại biểu Quốc hội, tôi ủng hộ đến cùng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”.
Ông Lịch nhận xét, để quyền tự do kinh doanh của người dân được pháp luật bảo hộ, Việt Nam đã phải mất tới 25 năm, từ năm 1991 đến 2014, khi Quốc hội thông qua hai luật trên.
Ông than phiền: “Quá trình đổi mới của chúng ta quá chậm chạp, quá mệt mỏi”.
“Tôi ủng hộ người dân phải được kinh doanh cái gì luật không cấm. Tôi muốn khẩu hiệu của diễn đàn là “Biến lời nói thành hành động” phải thực sự được tuân thủ, làm sao tư tưởng của hai luật này đi vào thực tiễn”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Lịch nói, ông rất nghi ngờ.
Ông nói, nền hành chính, gồm bộ máy, con người, thể chế hành chính (các luật) không được cải cách đồng bộ thì không sao hoạt động có hiệu quả, và cải cách thủ tục hành chính làm “muôn năm không hết”.
Nguyên Chủ nghiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, các Luật Tổ chức chính phủ, Luật Chính quyền địa phương còn nhiều điểm “chưa ổn”.
“Luật thực hiện nhiều năm rồi mà vai trò, chức năng của bộ trưởng chưa rõ ràng”, ông Mão nói.
“Tôi cho phải có địa chỉ rõ ràng (để quy trách nhiệm). Tôi thấy quy trách nhiệm quá khó khăn, trách nhiệm rành rành ra mà không quy được, không kỷ luật được ai”, ông nói.
Ông Mão cho rằng, gọi là lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là “rất hình thức, và mất công”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình: “Tôi rất buồn là các cơ quan nhà nước nói chính phủ đang tạo môi trường cho doanh nghiệp đấy, mà không thấy họ làm cho chính mình, cho sự phát triển của đất nước”.
“Tôi mong việc cải thiện môi trường kinh doanh không phải là việc Chính phủ ban ơn cho doanh nghiệp. Đó là trách nhiệm của nhà nước. Tôi rất không thích, nganh thuế nói giảm ngần này giờ nộp thuế, cứ như ban ơn cho doanh nghiệp. Đó là trách nhiệm của nhà nước”, bà nói.
Bà Lan nhận xét, sau 20 năm tham gia vào Asean, mà Việt Nam vẫn cứ “vui vẻ trong 4 nước CLMV” (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam), luôn thích chìa tay xin hỗ trợ như những nước khó khăn là rất vô lý.
Bà Lan nói: “Việt Nam không nên giữ quá lâu đặc thù của Việt Nam. Chúng ta hội nhập thì phải chơi trên sân chơi chung. Thời đại đang thay đổi quá nhanh về nhiều mặt mà chúng ta không tham gia thì sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi”.
Nguồn: thesaigontimes.vn