Ngày 13/10/2022, tại Hội thảo “Phát triển của ngành nguyên liệu phụ gia phục vụ sản xuất thực phẩm và đồ uống” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Informa Markets tổ chức, các chuyên gia chỉ ra nhiều khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Ông Lê Viết Thắng, Chủ tịch HĐQT VINABECO chia sẻ tạo hội thảo
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đồ uống hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là nguyên liệu nhập khẩu tăng giá từ 50-100%. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến hơn 50%, việc giá nguyên liệu tăng đã tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp.
“Để khắc phục thách thức này, các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống trong nước đã nỗ lực tiết giảm chi phí; đàm phán tìm nguồn nguyên liệu tốt phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng áp dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước nhằm gia tăng thị phần…”- ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Chế biến thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và phát triển mạnh. Theo thống kê của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bình quân hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026. Đây là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho ngành thực phẩm và đồ uống trong khu vực.
Bên cạnh những cơ hội, thách thức ngày càng lớn về mặt kỹ thuật, ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách, để phát triển trở lại. Bà Vân Anh, Tổng thư ký VBA cho biết: Lạm phát suy thoái toàn cầu gia tăng và những thay đổi khó lường từ chiến dịch quân sự giữa Nga và Ukraina, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên liệu không ngừng tăng, ngành đồ uống phải đương đầu với những vấn đề, như: Thực tế không kiểm soát được khu vực sản xuất rượu, bia thủ công (chiếm gần 70% thị phần), gây thất thoát cho ngân sách, ước tính khoảng 751 triệu USD/ năm, chưa kể đến những tác hại chưa đo đếm được đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp thực phẩm hướng dẫn sử dụng nguyên liệu phụ gia cho người tiêu dùng. Ảnh: T.H
Trao đổi kinh nghiệm về sử dụng phụ gia thực phẩm ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Bia rượu nước giải khát Việt Nam – VINABECO cho biết, quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải tự công bố chất lượng phụ gia thực phẩm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Thắng, được sự chấp thuận của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp sẽ có giấy tự công bố chất lượng thực phẩm và lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, các chất phụ gia vẫn được sử dụng bừa bãi, không tuân thủ các quy định về danh mục các chất phụ gia được sử dụng, cũng như liều lượng và mục đích sử dụng, nhiều cơ sở sử dụng những phụ gia không có nguồn gốc xuất xứ.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành thực phẩm nói chung và đồ uống nói riêng, ngoài việc ngành phải đầu tư nghiên cứu và phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Các doanh nghiệp và ngành đồ uống rất cần sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, có thêm nhiều chính sách giúp cho ngành đồ uống phát triển đúng xu thế và ổn định bền vững trong thời gian tới.
Từ ngày 12 đến 14/10/2022 tại TPHCM diễn ra triển lãm thực phẩm và đồ uống Fi Vietnam 2022 là sự kiện mới nhất thuộc chuỗi triển lãm toàn cầu. Fi Vietnam 2022 dự kiến thu hút gần 5.000 khách trong, ngoài nước đến tham quan 160 gian hàng của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, và nhiều hội thảo chuyên ngành thực phẩm, đồ uống. Đây là cơ hội kết nối giao thương không chỉ trước mắt, mà giúp định hình chiến lược phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp.