Heineken bán 7 nhà máy bia ở Nga với giá 1 euro

Hãng bia Heineken (Hà Lan) cho biết đã hoàn tất thỏa thuận bán tài sản, bao gồm 7 nhà máy bia ở Nga với giá tượng trưng chỉ 1 euro, chấp nhận khoản khoản lỗ 300 triệu euro để rời khỏi nước này. Heineken trở thành một trong số ít công ty tiêu dùng phương Tây rút lui thành công kể từ khi chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin thay đổi các quy định khiến việc rời Nga trở nên khó khăn hơn.

Heineken hoàn tất thỏa thuận bán tài sản, bao gồm 7 nhà máy bia ở Nga với giá tượng trưng chỉ 1 euro. Bên mua Arnest Group đồng ý gánh khoản nợ 100 triệu euro của Heineiken từ các hoạt động tại Nga. Ảnh: Moscow Times

Theo thông báo của Heineken hôm 25-8, hãng đồng ý bán các hoạt động tại Nga, bao gồm bảy nhà máy bia cho Arnest Group, một doanh nghiệp đóng gói và hàng tiêu dùng địa phương. Giao dịch đã nhận được tất cả các phê duyệt cần thiết.

Theo Heineken, thỏa thuận sẽ không có điều khoản về quyền chọn mua trong tương lai để quay trở lại Nga. Hãng ghi nhận thỏa thuận sẽ gây tổn thất tài chính khoảng 300 triệu euro, nhưng sẽ “tác động không đáng kể” đến thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Heineken. Triển vọng kinh doanh trong năm 2023 sẽ không thay đổi, Heineken khẳng định.

Việc Tổng thống Putin ký một sắc lệnh hồi tháng 4, cho phép nhà nước tạm thời kiểm soát tài sản của các công ty hoặc cá nhân từ các quốc gia không thân thiện, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh, đã gây khó khăn cho kế hoạch rời Nga của các công ty tiêu dùng hàng đầu của phương Tây. Thỏa thuận rời Nga suôn sẻ của Heineken trái ngược với đối thủ Carlsberg (Đan Mạch), vốn chứng kiến kế hoạch rời Nga bị cản trở do tài sản của hãng ở Nga đã bị Điện Kremlin tiếp quản. Trong khi đó, hãng bia Anheuser-Busch InBev (Bỉ) tiếp tục nắm giữ cổ phần ở một nhà sản xuất bia của Nga.

“Kế hoạch bán tài sản rời Nga cực kỳ phức tạp. Nhân sự của chúng tôi ở Nga có nguy cơ bị truy tố thực sự và tài sản của chúng tôi ở đó có nguy cơ bị quốc hữu hóa”, Dolf van den Brink, CEO của Heineken nói trong cuộc họp báo với các phóng viên.

Dolf van den Brink cho biết, chủ sở hữu mới sẽ không có quyền bán thương hiệu Heineken ở Nga theo các điều khoản của thỏa thuận. Amstel, một trong những thương hiệu của Heineken, cũng sẽ bị loại khỏi thị trường Nga. Ông nói: “Mục đích của chúng tôi rút càng nhiều thương hiệu quốc tế khỏi Nga càng tốt nên chúng tôi rất vui khi thương hiệu Amstel, thương hiệu lớn thứ hai của Heineiken, rút khỏi Nga”.

Heineken có khoảng 1.800 nhân viên ở Nga và Arnest sẽ đảm bảo việc làm cho họ trong ba năm tới, Heineken cho biết. Bên mua Arnest Group cũng nhất trí gánh khoản nợ khoảng 100 triệu euro liên quan đến hoạt động của Heineken. Các hoạt động tại Nga của Heineken đã thua lỗ 6 trong 8 năm qua.

Sau chiến sự Ukraine, Heineken đối mặt với áp lực từ người tiêu dùng trong việc rời khỏi Nga, thị trường chiếm khoảng 2% doanh số bán hàng toàn cầu của hãng. Heineken tuyên bố ý định đó hơn một năm trước mà không tính đến thu lợi nhuận từ giao dịch bán tài sản. Hồi tháng 4, hãng bia Hà Lan cho biết đã nộp đơn đề nghị chính phủ Nga phê duyệt để bán hoạt động kinh doanh tại Nga. Trước đó, công ty đã ghi nhận tổng khoản lỗ 210 triệu euro liên quan đến các hoạt động tại Nga.

Dolf van den Brink nói dù mất nhiều thời gian để rút khỏi Nga nhưng thỏa thuận trên bảo đảm việc làm cho nhân viên của Heineken tại Nga và cho phép “chúng tôi rời khỏi đất nước này một cách có trách nhiệm”.

Hồi tháng 9-2022, Arnest Group cũng đã mua lại hoạt động đóng gói đồ uống của Ball Corp. (Mỹ) ở Nga với giá 530 triệu đô la.

Trong một diễn khác, hôm 25-8, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Moscow đang yêu cầu mức chiết khấu lớn đối với những tài sản mà các công ty nước ngoài muốn bán để rời Nga. Hiện tại, Moscow đang yêu cầu mức chiết khấu 50% cho các giao dịch bán tài sản tại Nga của các công ty nước ngoài. Điện Kremlin cũng yêu cầu bên bán tài sản đóng góp cho ngân sách Nga ít nhất 10% số tiền thu được từ giao dịch bán tài sản.

Dù vậy, một nguồn tin thị trường tiết lộ Moscow đang yêu cầu giảm giá bán thêm 20-30% nữa trong một số thương vụ.

Một nguồn tin khác nói rằng các thương vụ bán tài sản trị giá trên 100 triệu đô la có nguy cơ cao sẽ bị Điện Kremlin từ chối phê duyệt.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, các công ty nước ngoài đã chốt bán 200 tài sản ở Nga trong giai đoạn từ tháng 3-2022 đến tháng 3-2023. Chỉ khoảng 20% trong số các tài sản này bán với giá hơn 100 triệu đô la.

Phân tích của Reuters cho thấy, các công ty nước ngoài đã chịu tổn thất tổng cộng hơn 80 tỉ đô la từ các hoạt động của họ tại Nga cho doanh thu mất mát và bút toán giảm giá trị tài sản.

Theo Bloomberg, Reuters