Hội thảo đã đánh giá về thực trạng sản xuất và kinh doanh ngành rượu bia hiện nay, cơ chế chính sách đối với ngành rượu bia, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biêt.
Những khó khăn của ngành rượu bia hiện nay
Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất – Nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, bia rượu là hàng hóa tiêu dùng, tác hại của bia, rượu chỉ xảy ra khi sử dụng không đúng mực.
Trên thực tế, từ khi đất nước hội nhập và đổi mới, du lịch phát triển mạnh, các nhà máy bia trong nước sản xuất các sản phẩm bia thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phải chăng đã giúp thương hiệu bia Việt trở thành nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đối với du khách nước ngoài, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Ngành rượu bia theo đó cũng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm cho cho hàng chục ngàn lao động. Trung bình mỗi năm các nhà máy sản xuất bia đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 50.000 – 60.000 tỷ đồng, và giải quyết việc làm cho khoảng gần 80.000 lao động. Đi cùng với sự phát triển của ngành đồ uống có cồn là hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, kho vận, cơ khí, sinh hóa, bao bì, dịch vụ,…
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch Covid – 19, tác động bất lợi từ một số cơ chế chính sách liên quan đến ngành đồ uống đã khiến ngành rượu bia bị suy giảm. Theo số liệu thống kê, sản lượng sản xuất và tiêu thụ ngành này có xu hưởng giảm về lượng tiêu thụ lần lượt -6% và -8% so với năm trước giai đoạn 2020-2021. Năm 2022 và nửa đầu năm 2023 tiếp tục suy giảm, có doanh nghiệp lớn sản lượng đã giảm tới 20%.
Theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) Vũ Đình Ánh: Mức tiêu thụ bia năm 2023 được đánh giá đặc biệt chậm ở cả phân khúc bán sỉ và bán lẻ. Nguyên nhân suy giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm. Đặc biệt là bối cảnh Nghị định 100/CP quy định về xử phạt với người tham gia giao thông sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể lượng tiêu thụ ngành rượu bia.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh. Chẳng hạn một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia điển hình như bột trợ lọc tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiểm tỷ trọng lón trong quá trình sản xuất bia dự kiến tăng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, chưa bao giờ ngành rượu bia khó khăn như hiện nay. Chủ trương phòng chống tác hại của rượu bia để hạn chế tai nạn giao thông đã khiến sản lượng bia năm 2020-2021 giảm 5-7% sau khi đạt đỉnh 4,6 tỷ lít. Quý I/2023 ngành này tiếp tục sụt giảm, Heineken giảm 20%. SABECO giảm 15%, HABECO giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện HABECO cho biết, từ năm 2019 đến nay HABECO chưa đạt được tốc độ tăng trưởng như trước dịch Covid-19, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khi mặt bằng giá bán bia thấp nên nếu tăng giá thì không thể bán được. Vì vậy, HABECO không tăng được giá bán nên đã phải giảm lợi nhuận để bù lỗ.
Nên coi ngành rượu bia bình đẳng như những ngành khác.
Đại diện hãng bia Carlsberg nêu ý kiến: Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm một số loại thuế, phí; giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn; khơi thông nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp và giảm lãi suất ngân hàng. Việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này đối với ngành bia rượu nước giải khát không khác gì sự phân biệt đối xử giữa ngành này với các ngành sản xuất khác.
Ông Vũ Đình Ánh đánh giá, theo chế độ thuế hiện hành, ngoài thuế tiêu thu đặc biệt, ngành rượu bia đang phải chịu cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi nhiều ngành được hưởng thuế suất phổ thông 8% để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thì ngành rượu bia vẫn phải chịu thuế suất 10% là một thiệt thòi lớn.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, ngành bia rượu đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động tực tiếp và gián tiếp. Vì vậy, Chính phủ nên đối xử với ngành bia rượu bình đẳng như những ngành khác.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thêm khó khăn đối với ngành rượu bia
TS. Vũ Đình Ánh cảm thấy lo lắng cho các doanh nghiệp ngành rượu bia: Trong lúc doanh nghiệp ngành rượu bia đang gặp khó khăn, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn. Tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm này sẽ là cú “nốc ao” đối với ngành rượu bia vốn đang gặp khó khăn. Vì vậy, cần tính lộ trình và thời điểm tăng thuế sao cho phù hợp để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết: Hiện nay, các nước trên thế giới đang áp dụng 3 phương pháp tính thuế: Thứ nhất là, thuế suất tính trên tỷ lệ % doanh thu chịu thuế; Thứ hai là, thuế suất tuyệt đối áp dụng trên một đơn vị sản phẩm; Thứ ba là, thuế suất tính theo phương pháp hỗn hợp cả tương đối và tuyệt đối. Đa số các nước hiện nay đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo phương pháp tuyệt đối, chỉ có Australia, Hàn Quốc, Chi Lê và Mehico áp dụng phương pháp tương đối. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy, trong từng giai đoạn phát triển cần có mức thuế hợp lý hướng đến đa mực tiêu: khuyến khích hay hạn chế người tiêu dùng đối với từng loại hàng hóa; tăng thu ngân sách nhất là đối với một số sản phẩm không thuộc nhu cầu thiết yếu của đại bộ phận dân cư; giảm thiểu buôn bán trái phép, nhập lậu và trốn thuế.
Đối với Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần bảo đảm đa mục tiêu của Thuế tiêu thụ đặc biệt đó là không chỉ thu ngân sách, giảm tác động tiêu cực của rượu bia, mà quan trọng hơn là bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng lành mạnh của các tầng lớp dân cư và quan tâm hơn nữa ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong quá trình xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách để bảo đảm tính khả thi.
Những ảnh hưởng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất, khối doanh nghiệp ngành rượu bia cũng là một thành tố cấu trúc của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn thì kinh tế cũng khó khăn. Vì vậy, thời điểm hiện tại vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Không nên tăng thời điểm hiện tại mà nên để ít nhất 3 năm nữa khi giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam qua đáy.
Về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia, ông Tuất cũng nêu 6 lý do không áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tuyệt đối hay hỗn hợp:
Thứ nhất, về mặt học thuật, thuế là chỉ tiêu giá trị thì phải dùng giá trị để đánh, không thể dùng sản lượng.Ở nước ta, giữa một cốc bia giá cao nhất và thấp nhất có thể chênh nhau lên tới 30-40 lần, nếu áp dụng thuế theo sản lượng sẽ dẫn tới hiệu quả là các doanh nghiệp sản xuất bia giá thấp bị thua thiệt so với các doanh nghiêp sản xuất bia giá cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thứ hai, là vấn đề lợi ích của người tiêu dùng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đang thấp, trong khi 80% thị phần tiên thụ là các loại bia phổ thông và bia địa phương (giá rẻ). Nếu nhóm sản xuất này bị triệt tiêu thì người tiêu dùng Việt Nam cũng không còn cơ hội sử dụng sản phẩm bia.
Thứ ba, là nguy cơ xảy ra độc quyền. Khi áp dụng thuế tuyệt đối, bia giá cao xét trong tương quan với bia giá rẻ sẽ giảm giá, còn bia giá thấp lại tăng giá và bị thu hẹp sản xuất. Thị phần bia giá cao cũng vì thế sẽ tăng lên và chiếm lĩnh. Do vậy, với nền kinh tế đang phát triển và việc có sự chênh lệch giá bia quá lớn như Việt Nam hiện nay thì đánh thuế theo sản lượng là bất cập.
Thứ tư, là các doanh nghiệp “chết” sau khi thuế tăng cũng sẽ kéo theo ngân sách Nhà nước thất thu.
Thứ năm, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để thay đổi chính sách cơ bản thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, xét cả trên phương diện kinh tế và xã hội.
Thứ sáu, là lao động ngành bia. Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này doanh nghiệp có nguy cơ xiết chặt sản xuất, cắt giảm lao động, tỷ lệ mất việc làm tăng cao, dẫn đến an sinh xã hội giảm.
Theo Tạp chí Công Thương