Mỗi ngày Sabeco thu về hơn 100 tỉ đồng từ bán bia rượu

Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn vừa công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả doanh thu và lợi nhuận thuần tăng mạnh, lần lượt 14% và 42% so với cùng kỳ, nối dài chuỗi năm quý liên tiếp duy trì tăng trưởng sau khi chính thức về tay người Thái.

Mỗi ngày Sabeco thu về hơn 100 tỉ đồng từ bán bia rượu

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III của Sabeco đạt 9.745 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, đưa tổng doanh thu chín tháng lên 28.169 tỉ đồng – tăng 10,2% so với chín tháng đầu năm 2018, trong đó doanh thu từ bia chiếm khoảng 86%.

Báo cáo cho thấy nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 5,8%, chi phí lãi vay cũng giảm 29,6% so với đầu năm, kết quả Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III hơn 1.459 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế chín tháng, lợi nhuận thu về hơn 4.279 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ.

Như vậy so với kế hoạch kinh doanh đề ra, Sabeco đã hoàn thành lần lượt 72,4% và 90,7% doanh thu và lợi nhuận theo chỉ tiêu cả năm sau chín tháng.

Kết quả trên có được nhờ việc tăng sản lượng và giá bán sản phẩm so với cùng kỳ, theo báo cáo giải trình. Theo đó, ước tính mỗi ngày Sabeco thu về hơn 104 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 15 tỉ đồng.

Bên cạnh đó Sabeco còn ghi nhận doanh thu từ lãi tiền gửi, cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá tăng kéo theo doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 36,4% so với đầu năm, đạt 622 tỉ đồng.

Tính tại thời điểm 30.9, Sabeco có lượng tiền và tương đương tiền 3.586 tỉ đồng, giảm 19,7%, trong đó tiền gửi ngân hàng 1.048 tỉ đồng. Công ty còn có lượng tiền gửi có kỳ hạn được ghi tại nhận là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên đến 11.173 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tăng hơn 48% so với đầu năm. Theo Sabeco, đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn trên ba tháng.

Cũng theo giải trình của công ty bia có thị phần số 1 Việt Nam, ngoài doanh thu tăng, việc tiết kiệm các chi phí cũng đã giúp cho lợi nhuận của công ty tăng mạnh.

Mỗi ngày Sabeco thu về hơn 100 tỉ đồng từ bán bia rượu

Trong đó chi phí bán hàng 2.099 tỉ đồng – tăng 14,4% so với cùng kỳ, tỷ trọng lớn nhất là chi phí quảng cáo tiếp thị và hỗ trợ với hơn 978 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 47%) – tăng gần 50% so với cùng kỳ. Khoản chi phí lớn thứ hai là cho nhân công với hơn 560 tỉ đồng tăng 10,4% so với đầu năm và chiếm khoảng 18,7%.

Theo đó, ước tính mỗi ngày Sabeco chi hơn 3,65 tỉ đồng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Điều này đúng như chiến lược mà ban lãnh đạo Sabeco nhấn mạnh tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4 là đẩy mạnh đầu tư marketing nhằm khẳng định vị thế trên thị trường, bên cạnh xây dựng quy trình sản xuất và chiến lược phân phối bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới.

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, trong chín tháng đầu năm, sản xuất bia nằm trong nhóm sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng cao với 11% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, ngành bia có mức tăng trưởng trung bình khoảng 6-7%/năm tính theo sản lượng.

Báo cáo của công ty chứng khoán gần đây nhất cho thấy trong hơn 110 doanh nghiệp đang tham gia ngành bia tại Việt Nam, Sabeco hiện dẫn đầu sản lượng với thị phần 40,6% – cách xa đối thủ liền kề là Heineken với 23%, cùng với Habeco với 15%, Carlsberg 8% và các thương hiệu khác. Trong đó, khu vực miền Nam chiếm hơn 59% sản lượng tiêu thụ, 35% tại khu vực miền Bắc, còn lại là khu vực miền Trung.

theo Forbes Việt Nam