Ngành thực phẩm và đồ uống sẽ “miễn nhiễm” với biến động?
Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được kỳ vọng sẽ cho thấy xu hướng tăng doanh số bất chấp những khó khăn năm 2023.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do tính chất không theo chu kỳ của các sản phẩm thực phẩm và đồ uống (F&B) cái mà người tiêu dùng không thể cắt giảm bất kể tình hình tài chính, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được kỳ vọng sẽ cho thấy xu hướng tăng doanh số bất chấp những khó khăn năm 2023, bao gồm lãi suất tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp tăng hoặc sức mua yếu. “Chúng tôi tin rằng tổng doanh số của ngành sẽ không quá biến động trong năm 2023”, VDSC nhìn nhận.
Doanh số bán lẻ của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 1.137 nghìn tỉ đồng, không chỉ cao hơn 40% so với quý III/2021 mà còn cao hơn mức trước đại dịch. Ngoài ra, chỉ số này cũng tăng nhẹ vào tháng 11/2022 đạt 397 nghìn tỉ đồng (hay 16 tỉ USD; tăng 4,7% so với tháng trước; tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước). Mùa mua sắm cao điểm của ngành F&B rơi vào quý IV và quý I là vào dịp lễ Giáng sinh và Tết. Do đó, VDSC cho rằng mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống sẽ tăng.
Một thuận lợi khác cho ngành F&B là kỳ vọng sự hồi phục từ khách du lịch nước ngoài. Năm 2022, hoạt động du lịch toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do đại dịch COVID-19 (chính sách phong tỏa ở Trung Quốc là ví dụ) và căng thẳng Ukraine – Nga. VDSC cho rằng những vấn đề này sẽ giảm bớt trong quý II/2023, thúc đẩy du lịch toàn cầu tăng trở lại. Việc phục hồi lưu lượng du khách nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng.
Giá bán sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng năm 2023
Theo Kantar Worldpanel, giá bán trung bình của các sản phẩm Nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bắt đầu tăng kể từ quý I/2022, trong đó tăng mạnh nhất vào quý II và quý III/2022. Do nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng sẽ ổn định nên giá bán sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2023.
Mặc dù mức tăng giá của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị nhưng mức tăng sản lượng tiêu dùng cũng cao hơn. |
VDSC cho rằng giá bán tăng sẽ hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục chi tiêu cho các sản phẩm F&B thiết yếu, nhưng một bộ phận trong số họ sẽ thích các thương hiệu phổ thông hơn như Vinamilk hay Kinh Đô. Do đó, những công ty sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng từ phân khúc bình dân đến cao cấp sẽ có hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Bên cạnh đó, một diễn biến bất thường đang xuất hiện: mặc dù mức tăng giá của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị nhưng mức tăng sản lượng tiêu dùng cũng cao hơn. Do đó, VDSC cho rằng người dân nông thôn ít nhạy cảm với việc tăng giá hơn so với người dân thành thị. Đây có thể là kết quả của các hoạt động du lịch hoặc làn sóng di chuyển về sống ở vùng nông thôn sau COVID-19. Do đó, những công ty sở hữu mạng lưới phân phối lớn sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Theo Nhịp cầu đầu tư