Doanh nghiệp bia bình dân khó khăn
Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành liên quan về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, hiện nay, các công ty sản xuất bia đang phải gồng mình vượt qua những đợt khủng hoảng, khó khăn khi giá nguyên liệu tăng mạnh, sức tiêu thụ bia của nguời tiêu dùng giảm sút do sự suy giảm thu nhập, mất việc.
Bên cạnh đó, những điều chỉnh thay đổi chính sách gần đây cũng mang đến những khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp ngành bia. Đơn cử, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất bia còn phải tuân thủ nghĩa vụ tái chế, đòi hỏi một nguồn tiền không nhỏ, trong khi vẫn đang phải nỗ lực để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trong khi các ngành khác nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ để phục hồi sau đại dich COVID-19 thì ngành sản xuất bia luôn nằm ngoài mọi chính sách. Bản thân, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là doanh nghiêp vốn nước ngoài, còn rất khó khăn khi đối mặt với những diễn biến bất lợi trên và các công ty sản xuất bia trong nước tình hình cũng khó có thể khả quan hơn.
Do đó, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam cho rằng, các yêu cầu điều chỉnh tăng thuế, hoặc thay đổi phương thức tính thuế từ tương đối sang hỗn hợp sẽ là một đòn “chí mạng” đến sức sống của ngành bia Việt nói chung và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng, chưa nói đến khả năng tiến tới giai đoan phát triển bền vững như chủ trương được nêu ra trong Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ vào ngày 21/4/2023 vừa qua.
Người dân có thể sẽ không được uống bia giá bình dân nếu thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt |
Theo Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, cấu trúc ngành bia Viêt Nam chia thành 2 nhóm chính gồm: Nhóm đại chúng giá bình dân (như 333, Huda, Bia Sài Gòn, Bia Halida, Bia Thanh Hóa, Bia Hạ Long, Bia Hương Sen, Bia Đại Viêt…) và nhóm cao cấp (Heniken, Budweiser….).
Tuy nhiên, điểm khác biệt với các thi trường phát triển, theo thống kê hiện nay, 80% thị phần tiêu thụ là thuộc về bia bình dân, đây rõ ràng là đặc trưng của thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi mà thu nhập người dân chưa đủ để trả cho các sản phẩm bia cao cấp hơn
Nhìn sâu về cơ cấu dòng bia và các doanh nghiệp sản xuất trong thị trường này, 100% các sản phẩm thương hiệu Việt là nhóm bia bình dân.
Các thương hiệu này thường có lịch sử phát triển lâu năm và nhiều trong số này mang tính đại diện cho địa phương nơi sản phẩm bia được sinh ra và phát triển.
Hơn thế nữa, một số dòng bia còn trở thành nét văn hóa của địa phương đó, có thể kể đến như là Halida và bia hơi Hà Nội cho vùng đất Thủ đô, hay Huda của xứ Huế, Bia Sài Gòn cho TP HCM.
Theo đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, việc hỗ trợ các dòng sản phẩm này, không chỉ giúp nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp Việt, mà còn là tạo tính sắc nét, giàu có cho văn hóa bản địa, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam muốn tạo điểm nhấn trên bản đồ du lich thế giới.
Nguy cơ sụp đổ các thương hiệu bia Việt
Đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam cho rằng, phương thức tính thuế mới (phương thức hỗn hợp) sẽ là một chính sách tác động tiêu cực đối với dòng bia bình dân, nơi mà các sản phẩm bia thương hiệu Việt đang chiếm đa số.
“Với một doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như Carlsberg, dù chúng tôi vẫn có các dòng bia ngoại. Tuy nhiên, trong chính sách dài hạn của công ty, việc nuôi dưỡng và phát triển một dòng bia mang thương hiệu Việt và có thể sẽ được giới thiệu ra nước ngoài trong tương lai là một hành động thể hiện tinh thần muốn góp phần xây dụng văn hóa đa màu sắc của Việt Nam”, văn bản của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam nêu rõ.
Do đó, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam cho rằng, thời điểm này chưa phù hợp để áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp hay tuyệt đối.
Các thương hiệu bia Việt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt |
Cũng theo Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, hai cơ sở là kim chỉ nam đối với sắc thuế tiêu thụ đặc biệt là kiểm soát việc sử dụng bia rượu vì lý do sức khỏe cộng đồng và triển vọng thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam bày tỏ không thật sự tin tưởng việc điều chỉnh phương thức tính thuế sang tuyệt đối hoặc hỗn hợp trong thời điểm này sẽ đạt được hai, hay thậm chí một trong hai mục tiêu trên.
Theo phân tích của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam, hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và cấu trúc của ngành bia Việt (với sự phân tầng và khoảng giá cách biệt của các dòng bia), cũng như mức sống của người dân chưa thật sự tương thích với các điều kiện cần thiết để phát huy tác dụng của phương pháp tính thuế mới, thông thường được áp dụng ở các quốc gia phát triển.
“Việc chưa sẵn sàng của hạ tầng xã hội, về lý thuyết, có thể gây ra tác dụng ngược, tiêu cực đến thị trường và thậm chí còn có thể gây ra các hệ lụy xã hội”, văn bản nêu.
Về triển vọng ngân sách, phương pháp tính thuế mới có thể sẽ “giết chết” phần lớn các doanh nghiệp bia ở nhóm bia đại chúng giá bình dân và làm phát sinh các sản phẩm không chính thống như hàng già, hàng lậu. Do vậy sẽ không có gì đảm bảo về khả năng thu ngân sách trong ngắn hạn và trung hạn.
Trên cơ sở đó, đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam khẳng định, phương pháp tính thuế mới có thể phát sinh hiệu quả ở một số thị trường khác. Tuy nhiên, trong ngắn hạn (từ 3 – 5 năm tới), ngành bia Việt Nam chưa ở trong điều kiện phát triển đủ để sẵn sàng cho việc chấp nhận việc tăng thuể suất hay áp dụng phương thức tính thuế mới.
“Việc áp đặt sẽ có thể gây ra các tác động kinh tế và xã hội tiêu cực cho ngân sách Nhà nước cũng như làm tổn thương, sụp đổ các thương hiệu Việt”, đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp thương hiệu bia Việt Nam đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đơn vị liên quan về vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chưa trình sửa đổi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu tại thời điểm này và ít nhất trong thời gian năm 2023 – 2025 để giúp họ ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính vẫn tiếp tục duy trì thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu như hiện hành, nghĩa là giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối (tỷ lệ phần trăm trên giá bán). |