Kể từ sau xung đột Nga-Ukraine, hàng trăm doanh nghiệp toàn cầu tuyên bố rời khỏi Nga để tránh tổn hại danh tiếng hoặc lo ngại rủi ro trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, một năm sau đó, rất nhiều trong số này vẫn còn hoạt động tại đây vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là do không thể rút nhanh vì thủ tục rắc rối cũng như chưa tìm được khách mua trả giá hợp lý.
Theo dữ liệu của Viện Lãnh đạo Giám đốc điều hành (CELI) thuộc Trường Quản lý Yale (Mỹ), hơn 1.000 công ty đa quốc gia đã rời bỏ hoặc cắt giảm đáng kể hoạt động ở Nga.
Nhiều công ty đa quốc gia có tài sản còn ở Nga nhưng vẫn lên án cuộc chiến tranh ở Ukraine và một số trong đó đã chuyển lợi nhuận kiếm được tại Nga cho các tổ chức nhân đạo hoạt động ở Ukraine.
Chẳng hạn, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo dừng đầu tư vào Nga nhưng tiếp tục bán một số sản phẩm hạn chế ở thị trường này và lợi nhuận sẽ được chuyển đến các nhóm nhân đạo ở Ukraine.
CELI xếp loại theo thang điểm từ A đến F cho tổng cộng 1.586 công ty đa quốc gia đã tuyên bố ý định rời khỏi Nga. Các công ty được cho điểm A nếu đã “đoạn tuyệt” thành công với Nga. Điểm F được chấm cho các công ty chưa thoát khỏi Nga hoặc chưa giảm hoạt động ở nước này.
Tính đến cuối tháng 2, có khoảng 417 công ty trong danh sách này được chấm điểm D hoặc F, chiếm 26% trong tổng số. Một số công ty đã rời khỏi Nga nhưng vẫn để ngỏ khả năng quay trở lại. Trong đó, hãng xe Renault của Pháp đã bán tài sản ở Nga với giá trị tượng trưng, kèm theo điều khoản cho phép mua lại sau một thời gian nhất định. Nhà sản xuất bia Carlsberg (Đan Mạch) cũng có kế hoạch tương tự.
Với nhiều công ty đa quốc gia, kế hoạch rút khỏi Nga phức tạp hơn dự kiến. Thông tin từ những tập đoàn này cho rằng, Moscow đã “trói tay” nhà đầu tư bằng cách đe dọa quốc hữu hóa và áp đặt những cản trở khác khác.
Hồi tháng 12, Điện Kremlin thông qua các quy tắc yêu cầu chính phủ Nga tiến hành định giá giá trị thị trường của bất kỳ tài sản nào được bán bởi một công ty nước ngoài. Nếu muốn bán lại tài sản, công ty nước ngoài phải bán với mức chiết khấu 50% giá trị đó.
Các công ty đa quốc gia nói rằng, doanh nghiệp có trách nhiệm với các cổ đông trong việc tìm kiếm những người mua tài sản ở Nga để bảo đảm thu về giá trị cho hàng tỉ đô la thay vì giao cho chính phủ Nga.
Một số công ty đa quốc gia không muốn nhường thị phần cho các đối thủ từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hoặc Mỹ Latin, những nước không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây và đang nhắm đến tài sản của các công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga.
“Nga là một thị trường lớn đối với nhiều công ty. Vì vậy, đưa ra quyết định rút khỏi Nga rất khó khăn, và quá trình ra đi cũng khó khăn”, Olivier Attias, luật sư tại hãng luật August Debouzycho nói.
Hãng thuốc lá Philip Morris International (Mỹ) cho biết, không chắc có thể thoái vốn thành công ở Nga như đã tuyên bố. Hãng viện dẫn các khó khăn trong nỗ lực này, bao gồm các quy định rắc rối của chính phủ Nga và nghĩa vụ đối với cổ đông để có được một mức giá bán hợp lý cho tài sản trị giá 2,5 tỉ đô la của hãng tại Nga.
Ngay sau khi cuộc xung đột xảy ra ở Ukraine nổ ra, Tập đoàn dầu khi BP của Anh thông báo sẽ rời khỏi Nga. Một năm sau, BP chưa thể hoàn tất kế hoạch này, trong đó có việc bán gần 20% cổ phần đang nắm giữ ở Tập đoàn dầu khi Rosneft của Nga.
BP đã bút toán giảm giá trị 25 tỉ đô la đối với tài sản ở Nga vào năm ngoái đồng thời rút nhân sự khỏi hội đồng quản trị của Rosneft nhưng vẫn nắm giữ cổ phần ở tập đoàn này.
Tập đoàn dầu khi ExxonMobil của Mỹ cũng đã tuyên bố nhanh chóng rời khỏi Nga. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, Exxon đã rút khỏi khỏi ít nhất 10 liên doanh với các đối tác Nga nhưng vẫn duy trì liên doanh khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi đảo Sakhalin của nước này.
Sau khi chiến sự xảy ra ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Exxon cho biết sẽ rút khỏi liên doanh trên. Đến tháng 10, Moscow thông báo chấm dứt lợi ích của Exxon tại dự án ở Sakhalin và chuyển giao tài sản mà Exxon định giá khoảng 4 tỉ đô la Mỹ cho một công ty của chính phủ.
Hai nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen và Mercedes-Benz cũng cho biết, đang có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần tại Nga. Tuy nhiên, Volkswagen vẫn chưa tìm ra được người mua còn Mercedes cho biết nỗ lực bán tài sản bị trì hoãn do bộ máy hành chính quan liêu ở Nga.
Theo WSJ, NY Times