Thị trường mì ăn liền tại Việt Nam ngày càng phát triển do nhu cầu tiêu dùng mì ăn liền của người Việt có xu hướng tiếp tục gia tăng. Mức tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt là 87 gói mì/năm. Việt Nam hiện cũng đang ở top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất trên thế giới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, nhu cầu đối với thực phẩm tiện lợi và ăn liền, đặc biệt là mì ăn liền, gạo, đồ ăn nhẹ,… trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh hơn. Mordor Intelligence lý giải, rằng đại dịch covid-19 đã góp phần khiến lượng tiêu thụ các loại thực phẩm tiện lợi, ăn liền, trong đó bao gồm mì ăn liền Việt Nam tăng mạnh.
Hầu hết mọi người chọn mì ăn liền vì không tốn nhiều tiền, dễ ăn và có thể bảo quản trong thời gian dài. Một số nhà bán lẻ, cho rằng mì ăn liền thuộc phân khúc bình dân với giá dưới 5.000 đồng/gói có sức tiêu thụ mạnh nhất. Sự có mặt của mì ăn liền phân khúc cao cấp chỉ nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phục vụ nhóm khách hàng nhỏ.
Thống kê của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới, cho thấy số lượng gói mì ăn liền được tiêu thụ tại Việt Nam năm 2021 là 8,56 tỷ gói, tăng hơn 20% so với năm 2020. Trong năm 2022, người Việt Nam tiêu dùng tiêu thụ 8,48 tỷ gói mì ăn liền, giảm nhẹ 1% so với năm 2021. Điều này có nghĩa là trung bình một người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ 87 gói mì trong năm 2022. Việt Nam cũng là thị trường nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất trong năm 2022 trên toàn cầu.
Trước nhu cầu tiêu thị mì ăn liền lớn trong nước, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối/cung cấp mì ăn liền. Hiện nay, thị trường Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mì ăn liền. Trong đó Acecook, Masan, Uniben, Asia Food, Vifon và Colusa Miliket là các doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường.
Theo thống kê của của tổ chức nghiên cứu dữ liệu bán lẻ Retail Data, Acecook Việt Nam đang nắm giữ 35,4% thị phần xét về doanh thu, tiếp theo là Masan (27,9%), Uniben (12,2%) và Asia Foods (8%) trong năm 2021.
Nếu như năm 2019, Acecook Việt Nam vượt mốc doanh thu 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 427,30 triệu USD), năm 2023, con số này đã tăng lên 12,2 nghìn tỷ đồng, qua đó thương hiệu này tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu ngành mì ăn liền Việt Nam.
Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu thị trường GoodGood Report dẫn thông tin từ Masan Consumer, cho biết hãng này có 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 thương hiệu mì ăn liền.
Bên cạnh các “ông lớn” nêu trên, thị trường Việt Nam đang ngày càng thu hút sự tham gia các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong thị trường mì ăn liền. Các nhà sản xuất mì ăn liền như Nongshim và Ottogi của Hàn Quốc cũng đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là “cửa ngõ” vào Đông Nam Á.
Không chỉ tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu cũng đang gia tăng với các sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ châu Á, thể hiện rõ nhất qua sự phổ biến ngày càng tăng của các sản phẩm mì ăn liền Hàn Quốc. Sự lan truyền của làn sóng văn hóa Hàn Quốc như K-pop, K-drama và ẩm thực Hàn Quốc trên toàn thế giới thúc đẩy các sản phẩm mì ăn liền nói chung và mì ăn liền Hàn Quốc nói riêng phát triển.
Theo ước tính của cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 20/11/2023, xuất khẩu mì ramyeon (mì ăn liền có nguồn gốc Hàn Quốc) đạt 785,25 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng mì ăn liền có nguồn gốc từ Hàn Quốc đang gia tăng trên toàn thế giới.
Bên cạnh sự quan tâm tới các sản phẩm mì ăn liền Hàn Quốc, các sản phẩm ăn liền của một vài quốc gia châu Á khác cũng được người tiêu dùng trên thế giới chú ý đến. Ví dụ như món ăn sáng chủ yếu của người Việt là phở, cũng được chuyển thể thành một loại mì ăn liền, thu hút sự tò mò của người tiêu dùng toàn cầu. Tương tự, bún ốc có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc cũng đang chứng kiến mức độ phổ biến tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, với hơn 1,1 tỷ gói được bán ra chỉ riêng trong năm 2021.
Trước sự gia tăng về nhu cầu cũng như thị hiếu tiêu dùng các sản phẩm thân thiện, thị trường mì ăn liền đang chứng kiến sự phát triển của những sản phẩm lành mạnh, thân thiện với sức khỏe khi người tiêu dùng đang có ý thức hơn về sức khỏe của họ.
Báo cáo của Decision Lab và Vero năm 2022, cho thấy 46% thế hệ Millennials và Gen Z của Việt Nam, cho rằng covid-19 là yếu tố hàng đầu khiến họ phải xem xét lại thói quen ăn uống của mình. Trong khi có 45% người tiêu dùng cho rằng họ thiếu thời gian nấu nướng và chế biến thực phẩm lành mạnh. Điều này thúc đẩy các thương hiệu F&B đưa ra các lựa chọn thực phẩm lành mạnh dễ tiêu thụ và tốn ít thời gian chế biến hơn.
Nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay không chỉ là giá cả phải chăng, tiện lợi mà còn thân thiện với sức khỏe, thúc đẩy các nhà sản xuất ưu tiên tạo ra những sản phẩm vừa lành mạnh vừa có thể bổ sung chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.