Tại Pháp, khi nhắc đến các tu viện, người ta thường nghĩ đến các loại rượu mùi hay bia thủ công nổi tiếng do giới tu sĩ chế biến. Thế nhưng, các hoạt động sản xuất tại các tu viện không chỉ dừng lại ở đó. Theo báo Les Échos (trong loạt bài viết mùa hè 29/08/2023), giới tu sĩ Pháp nay tự tay làm đủ loại sản phẩm. Họ kinh doanh không phải để kiếm lời mà chủ yếu để trang trải các chi phí sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo.
Trong tiếng La Tinh, ”Ora et labora” có nghĩa là cầu nguyện và làm việc. Phương châm này được cho là của Thánh Benedicto, người đã sáng lập Dòng Biển Đức vào thế kỷ thứ VI. Hơn 15 thế kỷ sau, phương châm này vẫn là nền tảng sinh hoạt tại đa số các tu viện Pháp thuộc nhiều dòng khác nhau. Theo báo Les Échos, ngoài giờ cầu nguyện (cá nhân cũng như tập thể), giới tu sĩ hầu như không có những giây phút nhàn rỗi. Tùy theo khả năng và sức lực, các cha (cũng như các sơ) đều góp phần vào công việc sản xuất.
Phương châm làm việc và cầu nguyện của các dòng Biển Đức hay Đa Minh
Tại Pháp, có khoảng 4.500 tu sĩ phân chia thành 300 cộng đồng tôn giáo khác nhau (nam cũng như nữ). Trong đó có gần hai phần ba tự lập nhờ các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh việc sản xuất các lễ vật phụng sự tôn giáo (thánh giá, tượng Chúa, nến trắng, lễ phục), giới tu sĩ còn chế biến đủ loại sản phẩm như thức uống, bánh kẹo, sách vở, đồ gia dụng, dụng cụ làm vườn, vật trang trí, thậm chí một số mỹ phẩm…
Theo chuyên gia Marie-Catherine Paquier, giáo sư tại trường cao đẳng kinh doanh ”European Business School” tại Paris, giống như những mảnh ghép tạo nên cửa kính màu trong nhà thờ, các sản phẩm của các tu viện rất đa dạng, về kích cỡ cũng như thể loại. Theo nhà nghiên cứu, thị trường vi mô này thu về khoảng 75 triệu euro hàng năm. Con số này liên quan đến các cộng đồng tôn giáo nhỏ, chứ chưa tính đến một số tu viện nổi tiếng. Đó là trường hợp của các tu sĩ ở Grande Chartreuse, vùng Isère. Rượu mùi Chartreuse màu xanh lục do họ sản xuất thuộc vào hàng nổi tiếng trên thế giới. Trên 1,2 triệu lít được sản xuất mỗi năm dưới sự giám sát của các tu sĩ, hơn một nửa được xuất khẩu và được bán cho khách nước ngoài với giá xấp xỉ 50 euro/chai.
Tuy vậy, theo giáo sư Marie-Catherine Paquier, thành công nói trên là một trường hợp ngoại lệ. Tại các nơi khác, các cộng đồng tôn giáo sống khá chật vật. Ngay cả khi họ cố gắng làm việc để tạo ra nhiều sản phẩm, công việc phân phối kinh doanh thường gặp khó khăn, vì buôn bán không phải là sở trường của các tu sĩ, họ cần được hỗ trợ để thích nghi với thị trường : sản xuất là một chuyện, tìm được người mua và kênh phân phối lại một chuyện khác.
Theo báo Les Échos, khối lượng sản xuất của các cộng đồng tôn giáo thường là khiêm tốn, chứ khó thể nào là sản phẩm đại trà. Tại các tu viện ở vùng Calvados, hầu hết các cha đều ý thức rằng làm việc (hầu như) hàng ngày là điều cần thiết tạo nguồn thu nhập để trang trải chi phí cuộc sống, nhưng không phải là một cuộc chạy đua vì tiền. Đối với nhiều tu sĩ, đó cũng là cánh cửa sổ hiếm hoi mở ra thế giới bên ngoài. Các tu sĩ ít có cơ hội tiếp xúc và trao đổi vói khách thập phương. Không gian bày bán các sản phẩm của tu viện đói khi là lối vào đầu tiên dẫn khách vào thăm thánh đường.
Mỗi cộng đồng tôn giáo tự do chọn sản phẩm mà họ chế biến với mục đích kinh doanh, có nơi bán mứt trái cây hay bánh kẹo, các tu viện dòng trappist có thể bán bia vì đó là sở trường của họ, còn các tu viện ở vùng Normandie như tu viện Saint Martin de Mondaye thì chọn đặc sản của vùng Calvados là rượu táo… Việc buôn bán hàng tự chế biến, tạo đến một nửa nguồn doanh thu cho các tu viện. Phần còn lại đến từ trợ cấp hưu trí cho những người cao tuổi, các hoạt động gây quỹ từ thiện hay các khoản quyên góp với những ai có lòng hảo tâm…
Ngoài các sản phẩm kinh doanh, nhiều cộng đồng tôn giáo còn cung cấp thêm dịch vụ lưu trú. Theo giáo sư Marie-Catherine Paquier, việc tiếp đón khách hành hương (hay đơn giản hơn nữa du khách muốn tá túc qua đêm) là một trong những vai trò của tu viện, theo quy định của Dòng Biển Đức. Các phòng trọ tu viện là một dịch vụ không bị chính phủ đánh thuế, đổi lại tu viện không được quyền quảng cáo, giá lưu trú cũng khá phải chăng, tùy theo sự đóng góp của của người mộ đạo hay khách hành hương.
Thương hiệu Monastic : Nguồn gốc thực thụ của các sản phẩm tu viện
Nhằm trợ giúp các cộng đồng tôn giáo về mặt pháp lý cũng như tài chính, hiệp hội Monastic đã được thành lập vào năm 1989. Hiệp hội này đã khai sinh thương hiệu cùng tên hầu tạo mối liên kết cho hàng loạt sản phẩm của các tu viện thường rất khác biệt. Hiệp hội Monastic được vận hành như một liên đoàn đại diện cho quyền lợi của gần 200 cộng đồng tôn giáo. Vào năm 1989, công ty Célia (hiện thuộc về tập đoàn Lactalis) đã tung ra thị trường Pháp loại phô mai mềm tên là ”Chaussée aux Moines” và mặc dù trong tên gọi có chữ ”tu sĩ” (moine) nhưng thật ra phô mai này là một thực phẩm sản xuất theo kiểu công nghiệp chứ không phải là ”hàng thủ công” làm tại các tu viện.
Để tránh cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, hiệp hội Monastic được khai sinh và chỉ gắn thương hiệu của mình trên những sản phẩm ”thực thụ”, do giới tu sĩ kiểm soát các khâu chế biến từ đầu đến cuối, kể cả việc định dạng sản phẩm, công thức chế biến, lựa chọn nguyên liệu, đóng gói và phân phối tiếp thị đều do cộng đồng tôn giáo quyết định, đôi khi quá trình này có sự giúp đỡ của các giáo dân có kinh nghiệm trong lãnh vực chuyên môn của họ.
Thương hiệu Monastic một khi được cấp có giá trị trong vòng ba năm. Nếu quá trình sản xuất sau đó không tuân thủ các quy tắc, hiệp hội Monastic có quyền rút lại thương hiệu. Trong năm vừa qua, hiệp hội Monastic quy tụ 192 tu viện Công giáo, cũng như 4 tu viện thuộc cộng đồng Tin Lành. Ngoài nước Pháp, mô hình của Monastic bắt đầu thu hút sự chú ý của một số cộng đồng tôn giáo khác ở châu Âu. Nhiều tu viện ở Bồ Đào Nha, Bỉ, Thụy Sĩ và Luxembourg cũng đã tham gia vào hiệp hội Monastic, để hỗ trợ nhau qua việc trao đổi kinh nghiệm về cách tổ chức và vận hành.
Điều này lại càng cần thiết hơn do tuổi trung bình của giới tu sĩ ngày càng cao, trong khi ít có thanh niên nào chọn ”xuất gia” theo đạo. Có lẽ cũng vì thế kể từ năm 2018, hiệp hội Monastic đã thích nghi với tình huống, bằng cách mở rộng thêm các quan hệ hợp tác với giáo dân. Sự đóng góp của giáo dân có thể bù đắp cho nguồn nhân lực ngày càng ”tuổi cao sức yếu” trong các tu viện. Điển hình là dòng Đa Minh Chalais ở vùng Isère vào năm 2009 đã giảm sản xuất từ 20 tấn bánh bích quy xuống còn 11 tấn hàng năm. Gần đây hơn, các tu sĩ Dòng Chartreuse đã quyết định hạn chế lượng rượu mùi sản xuất hàng năm. Tại vùng Yonne, các cha trong tu viện La Pierre-qui-Vire đã ngưng việc in sách, đóng bìa để chuyển sang chế biến phô mai. Kinh doanh trục lợi không phải là mục tiêu tối hậu, nhiều cộng đồng tôn giáo từ bỏ các hợp đồng thương mại nếu kinh doanh tạo nhiều áp lực tinh thần, khiến cho giới tu sĩ không còn được tĩnh tâm để cầu nguyện.