Thực phẩm ăn liền: Hiểu đúng và lựa chọn thông minh

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, với ưu điểm tiện lợi, thực phẩm ăn liền dường như đã trở thành thực phẩm thiết yếu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không ít người vẫn bày tỏ quan ngại về giá trị dinh dưỡng, sự ảnh hưởng đến sức khỏe… của thực phẩm ăn liền.

Tại tọa đàm “Hiểu đúng về thực phẩm ăn liền” do Báo PNVN phối hợp cùng Công ty Acecook Việt Nam tổ chức, các khách mời tham gia đã cùng nhau chia sẻ những thông tin hữu ích, kinh nghiệm lựa chọn và chế biến thực phẩm ăn liền sao cho vừa nhanh, tiện lợi và đủ chất dinh dưỡng.

Cứu cánh cho người bận rộn

Chị Vũ Ngọc Hoàng Oanh, Á hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2012 chia sẻ, khi nhắc đến thực phẩm ăn liền, chị nghĩ ngay đến các loại mì gói, ngũ cốc. Đặc biệt trong những thời điểm bận rộn, thực phẩm ăn liền hệt như một người bạn đồng hành, “cứu đói” của chị.

Đồng thời, chị Oanh cho rằng việc xem kĩ các nội dung trên nhãn thành phần dinh dưỡng (năng lượng, chất đạm, chất béo…) của các loại thực phẩm ăn liền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ đó, người tiêu dùng có thể cân nhắc lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của mình trước khi đưa ra quyết định mua.

Khoảng thời gian tập cho con ăn dặm, chị Oanh bị áp lực việc làm sao phải chăm con cho thật tốt. Việc theo dõi cân nặng, chiều cao của con lúc này như trở thành một thói quen. Do đó, ngày nào chị cũng lên thực đơn, nấu rất nhiều loại rau củ, thịt cá, tôm… cho con ăn. Không biết từ bao giờ, chị Oanh cảm thấy căng thẳng về việc nấu cho con ăn hằng ngày.

Chị Hoàng Oanh khuyên mọi người kết hợp đa dạng thực phẩm với nhau và có kế hoạch tập luyện nhằm giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

“Sau đó, tôi giảm bớt áp lực lại bằng cách lựa chọn những thực phẩm ăn liền như ngũ cốc, cháo, túi ăn dặm hoa quả có thương hiệu nổi tiếng, uy tín cho con sử dụng xen kẽ với đồ ăn tôi nấu. Việc sử dụng thực phẩm ăn liền giúp tôi tiết kiệm thời gian chế biến, con cũng thoải mái, ăn ngon miệng hơn”, chị Oanh tâm sự.

Còn đối với Nghệ nhân, đầu bếp Trần Thị Hiền Minh, mỗi người có thể sáng tạo, chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn từ việc kết hợp thực phẩm ăn liền cùng nhiều loại thực phẩm khác. Thay vì sử dụng bún, chị Hiền Minh hay dùng mì ăn liền đã trụng nước sôi để làm ra món gỏi cuốn với đầy đủ tôm, thịt,…

Ngoài ra, để đáp ứng sở thích của con, chị còn chế biến thêm món pizza mì từ nồi chiên không dầu với xúc xích, phô mai. Những món ăn như miến ăn liền trộn rau, tôm và phở ăn liền áp chảo cũng được các thành viên trong gia đình chị Minh đặc biệt yêu thích.

Từ thực phẩm ăn liền, đầu bếp Hiền Minh chia sẻ người tiêu dùng nên tận dụng thêm những thức ăn có sẵn tại nhà để sáng tạo ra những món ăn dinh dưỡng, hấp dẫn.

Theo chị Minh, trong thực phẩm ăn liền đã có một lượng dầu nhất định. Do đó, trong khâu chế biến, chị thường không nạp thêm lượng dầu hay tinh bột và ưu tiên cho thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm để món ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Sử dụng thực phẩm ăn liền đúng cách

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường – Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM cho hay, hầu như các thực phẩm đều đem lại giá trị năng lượng. Trong đó, thực phẩm ăn liền như mì gói, ngũ cốc… là những thực phẩm cung cấp chủ yếu chất bột đường trong bữa ăn.

Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm ăn liền thường có những nỗi hoang mang nhất định về giá trị dinh dưỡng kèm tác hại của chúng. Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta vô tình ăn quá đơn giản, có lúc chúng ta chỉ sử dụng thực phẩm ăn liền mà không ăn kết hợp với các thực phẩm khác. Thạc sĩ Tường nhấn mạnh, không có thực phẩm nào là “kẻ thù” hoặc là “siêu thực phẩm” với con người.

Người tiêu dùng phải biết cách kết hợp các thực phẩm lại với nhau. Nếu chúng ta ăn thực phẩm ăn liền kèm với rau củ, thịt cá… để bổ sung vitamin, khoáng chất… thì chúng ta sẽ biến bữa ăn của mình thành đầy đủ dinh dưỡng.

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường chia sẻ cách để giảm lượng muối khi sử dụng thực phẩm mì ăn liền.

Về mức độ an toàn thực phẩm thì hiện nay, những nhà sản xuất thực phẩm ăn liền lớn, uy tín có quy trình sản xuất hiện đại và kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt. Họ có riêng một đội ngũ chuyên gia để cải tiến quy trình, công nghệ, biến những sản phẩm của mình trở nên giàu giá trị dinh dưỡng hơn. Những nhà sản xuất đã cung cấp nhiều sản phẩm ăn liền, phù hợp với nhiều độ tuổi, nhu cầu của mọi người.

Trong một lần mua mì ăn liền cho con, đọc bảng thành phần dinh dưỡng, chị Tường chia sẻ, nhà sản xuất loại mì này đã cho thêm canxi (lớn hơn 200 miligram) vào trong đó để giúp trẻ nạp đủ một phần lượng canxi trong ngày theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng.

Không riêng gì các thực phẩm ăn liền, nếu chúng ta chỉ chăm chăm sử dụng một nhóm thực phẩm nhất định và ăn quá nhiều thì cũng dễ khiến cơ thể tăng cân. Một gói mì ăn liền có khối lượng tịnh lớn, kèm theo các gói sốt, gia vị thì sẽ dễ đẩy lượng calories và chất béo nạp vào trong người tiêu dùng tăng lên.

Do đó, người tiêu dùng cần trang bị cho bản thân thêm kiến thức, hiểu đúng về nhu cầu của bản thân. Nếu không muốn tăng cân, chúng ta có thể khéo léo lựa chọn và sử dụng thực phẩm ăn liền có lượng calories cùng chất béo thấp hơn. Thậm chí, ngày nay, nhiều nhà sản xuất đã tăng vi chất, giảm chất béo trong các loại thực phẩm ăn liền với mong muốn những người đang có ý định giảm cân có thể sử dụng thực phẩm của họ.

Kết thúc buổi chia sẻ, Á hậu Hoàng Oanh cho biết, bản thân chị rất tâm huyết với câu nói We are what we eat (chúng ta là nhưng gì mà chúng ta ăn – PV). Chị Oanh cũng hy vọng, mọi người sẽ lựa chọn thật kỹ những thực phẩm dinh dưỡng, đầy đủ chất nhằm giữ gìn sức khỏe, tăng sự minh mẫn cho bản thân.

Thực phẩm ăn liền: Hiểu đúng và lựa chọn thông minh- Ảnh 1.

Đại diện của Báo PNVN và Công ty Acecook Việt Nam tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Cao Như Quỳnh