Cụ thể, tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt là hơn 16.900 tỷ đồng, trong đó mặt hàng rượu bia chiếm đến 46%. Nếu nhận xét đơn thuần về kinh tế, thu thuế thấp là lo lắng, nhưng ngẫm kỹ, đây là việc tất yếu, nếu không nói là đáng mừng.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trên đây, có thể do tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân cắt giảm chi tiêu, bớt dùng rượu bia; nhưng cũng có thể đến từ việc cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn với tài xế. Nhiều hàng quán vắng vẻ, đìu hiu, hiếm thấy cảnh náo nhiệt, bia rượu ngập tràn như trước.
Số liệu do các tổ chức quốc tế đánh giá độc lập cho thấy Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia nhiều thứ hai ở Đông Nam Á, xếp thứ 3 ở châu Á. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm.
Tỷ lệ uống rượu bia đến mức nguy hại rất phổ biến ở người trưởng thành và tăng cao qua các năm. Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 12-11, một tài xế 39 tuổi lái ô tô gây tai nạn ở TP Thủ Đức khiến một nữ sinh 18 tuổi thiệt mạng, nhiều người bị thương nặng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy tài xế vi phạm nồng độ cồn. Có thể nói, sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với sức khỏe, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Đối với rất nhiều quốc gia thế giới, việc kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông là hết sức nghiêm khắc. Không phải vì vậy mà họ lại không sử dụng thức uống có cồn, thay vào đó là sử dụng có chừng mực, có kiểm soát! Thực khách có thể dùng rượu bia, khi về sẽ có dịch vụ lái xe đưa về nhà.
Tại TPHCM, nhiều người đã sử dụng dịch vụ xe taxi hoặc xe ôm đưa về nhà sau khi sử dụng rượu bia. Rõ ràng, thực hiện nghiêm quy định này sẽ hình thành một thói quen mới: cư xử có trách nhiệm khi uống rượu bia, dùng như thế nào để ngày hôm sau vẫn khỏe khoắn, cũng như không còn nồng độ cồn để điều khiển phương tiện giao thông đi làm việc.
Như cuối tuần qua, người viết đã dự một đám cưới, khoảng một nửa khách dùng nước suối. Điều lạ là, khách khứa đi tới các bàn có bạn bè quen thuộc cụng ly nước suối với nhau, vẫn tay bắt mặt mừng mà không hề nhất thiết phải có men rượu bia để làm chất xúc tác!
Như vậy, cho dù giảm thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng việc siết quy định nồng độ cồn chắc chắn mang lại lợi ích lâu dài, giảm hậu họa do tai nạn giao thông và các hành vi gây rối khác, giảm bệnh tật và các chi phí thuốc men do sử dụng rượu bia quá mức gây nên. Chắc chắn việc hạn chế dùng rượu bia quá đà sẽ làm cho xã hội khỏe hơn, bảo vệ giống nòi tốt hơn.
Theo Báo SG Đầu tư tài chính