Từ 21/3 đến nay, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai thuế sau khi đã được cơ quan thuế tuyên truyền, gửi thư ngỏ đến trụ sở của tập đoàn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Meta, (công ty mẹ của Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix…
Chiều ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý III-2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng của năm ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế đã thông tin những vấn đề liên quan đến việc nộp thuế của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Minh cho biết, Việt Nam là một trong 4 nước ASEAN đi đầu trong việc mở cổng thông tin điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài tự động kê khai.
Từ 21/3 đến nay, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai thuế sau khi đã được cơ quan thuế tuyên truyền, gửi thư ngỏ đến trụ sở của tập đoàn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Meta, (công ty mẹ của Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix…
Gần nhất, Tập đoàn Apple cũng vừa thực hiện kê khai thuế tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022, lần đầu tiên Apple bổ nhiệm một Giám đốc Quốc gia phụ trách thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, từ 21/3 đến nay các nhà cung cấp nước ngoài đã tạm nộp thay cho cá nhân phát sinh doanh thu của Việt Nam gần 500 tỷ đồng.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ trưởng từ năm 2018 đến hết tháng 12/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỷ đồng. Một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020.
Theo Nhịp sống thị trường