Ngày 6/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”.
Đại diện Ban tổ chức khai mạc Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”. (Ảnh: ND)
Theo VBA, sau thời gian dài ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù, khiến hoạt động kinh doanh chịu nhiều thiệt hại.
Thị trường tiêu thụ giảm 20% – 30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Gần đây, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm trầm trọng hơn những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng mạnh. Điển hình là hoa Houblon, nguyên liệu chính để sản xuất bia đại mạch tăng tới 40 – 50%, các nguyên liệu khác như vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất… tăng trung bình từ 15% – 35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có khoảng 70% rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Sau đại dịch COVID-19, khi trạng thái bình thường mới thiết lập, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất… khiến nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn rất khó khăn.
Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do những diễn biến khó lường về biến chủng mới, các biện pháp chống dịch từ nước có biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia, Lào, nguy cơ lạm phát toàn cầu, xung đột kéo dài Nga – Ukraine… Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đề ra, cần phải có thêm gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa, hoàn phí, hoàn thuế đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn sẽ tăng áp lực cho doanh nghiệp
Hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá và cho rằng đây là thời điểm phù hợp và chín muồi để thực hiện, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách và giảm các thiệt hại khác, hệ lụy về mặt xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, trong đó có đồ uống có cồn, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế – xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả các hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương trước khi đưa ra quyết định.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, những thay đổi về chính sách thuế có thể cản trở những nỗ lực này và gây ra những tác động không mong muốn đối với sự phát triển của Việt Nam.
Vì vậy, VBA kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng những chính sách thuế làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, ít nhất trong vài ba năm tới. Cần có những đánh giá toàn diện trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra, tác động của chính sách hiện hành… làm cơ sở cho những đề xuất mới.
Đồng thời, cần tham vấn rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp chịu tác động, để đảm bảo các chính sách mới có cơ sở, khoa học, tính khả thi, phù hợp với quốc tế, có lộ trình phù hợp… Điều này cũng rất phù hợp với chỉ đạo nhân văn của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 về Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo sự ủng hộ và đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giúp pháp luật đi vào cuộc sống.
Toàn cảnh hội thảo
VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước./.