Tổng Giám đốc Sapporo Việt Nam: Chúng tôi đang trong top thương hiệu dẫn đầu ở kênh Beer ClubTổng Giám đốc Sapporo Việt Nam: Chúng tôi đang trong top thương hiệu dẫn đầu ở kênh Beer Club
Tổng Giám đốc Sapporo Việt Nam: Chúng tôi đang trong top thương hiệu dẫn đầu ở kênh Beer Club
Năm 2010, thương hiệu bia lâu đời nhất của Nhật Bản Sapporo gia nhập thị trường Việt Nam thông qua mối hợp tác giữa tập đoàn Sapporo Nhật Bản và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Một nhà máy bia công suất 40 triệu lít/năm được đầu tư ngay lập tức. Theo kế hoạch, các giai đoạn sau của dự án sẽ dần nâng công suất của nhà máy lên 100 triệu lít, rồi 150 triệu lít bia.
Tới tháng 9/2015, với việc nhận chuyển nhượng 29% cổ phần từ Vinataba, hiện tập đoàn Sapporo Nhật Bản sở hữu 100% Sapporo Việt Nam.
Thị trường bia của Việt Nam, nếu nhìn qua, đã đủ mặt “anh tài” ở các phân khúc, với sự thống trị của Sabeco và VBL. Mặc dù vậy, Tổng Giám Đốc Sapporo Việt Nam, ông Mikio Masawaki tin rằng, Sapporo vẫn có lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Ông có thể cho biết, sau khoảng 5 năm gia nhập, Sapporo đang đứng ở đâu trong thị trường bia Việt Nam?
Tại TP.HCM, chúng tôi cho rằng mình đang nằm trong Top 3, cùng với Sabeco và VBL. Về thị phần cụ thể, chúng tôi hiện chưa có thống kê chính thức. Ở một số kênh như Beer Club, Sapporo đang nằm trong những thương hiệu dẫn đầu.
Hiện Sapporo đang chiếm thị phần còn khiêm tốn trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi đang đi vào từng phân khúc cụ thể và từng phân khúc đó chúng tôi đang đẩy mạnh thị phần và hình ảnh của mình. Với các nền tảng đã xây dựng được trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng rằng Sapporo sẽ ngày càng lớn mạnh và thị phần sẽ được cải thiện trong tương lai gần.
Beer Club là một trào lưu đang lên ở các thành phố lớn. Đây có phải là kênh bán sản phẩm chính của Sapporo?
Đúng là kênh Beer Club đang phát triển rất nhanh tại TP.HCM với khoảng 100 điểm bán và điều đáng mừng là bia Sapporo đều hiện diện trong hầu hết các điểm bán này. Đối với kênh Beer Club, theo nhận định của chúng tôi, Sapporo đang nằm trong Top 2 thương hiệu bán chạy nhất tại đây.
Vậy còn các kênh phân phối khác thì sao?
Tất nhiên chúng tôi cũng triển khai mạng lưới phân phối của riêng mình. Sapporo tập trung phát triển đồng thời các kênh GT ON (nhà hàng, khách sạn), GT OFF (cửa hàng bán lẻ), MT (siêu thị). Ở kênh ON, khi khách hàng sử dụng bia Sapporo và cảm thấy yêu thích thì họ sẽ tìm mua tại kênh OFF và MT và ngược lại. Do đó các kênh này bổ trợ cho nhau, cần sự đầu tư đồng bộ.
Đối với hai kênh ON & OFF, hiện nay Sapporo đang tập trung tại khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lớn khác như Đồng Nai, Bình Dương, BRVT, Cần Thơ, Hà Nội…
Nói cách khác, chúng tôi đang tập trung từng phân khúc với mục tiêu làm sao để từng phân khúc phải tạo ra hình ảnh Sapporo thật tốt về chất lượng, có độ tin cậy cao. Từ đó, dần dần sẽ mở rộng và khuếch trương sang những phân khúc khác. Đó chính là bước đi dài hạn của Sapporo tại Việt Nam.
Với chiến lược thay đổi “diện mạo mới”, ông kỳ vọng kết quả kinh doanh của công ty sẽ ra sao trong thời gian tới?
Chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi hai dòng sản phẩm đổi mới của chúng tôi được đưa ra thị trường, doanh số của Sapporo tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 150%-200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2016 là đạt mức tăng trưởng hai con số về doanh thu. Với sự đổi mới diện mạo về nhận diện, hình ảnh, phong cách cũng như hương vị bia lần này chúng tôi tin tưởng có thể tiếp cận thêm một lượng đáng kể khách hàng mới, những người chưa biết đến Sapporo, và sự tăng trưởng doanh thu lớn cho Sapporo trong các tháng cuối năm là một điều đang được kỳ vọng.
Theo khảo sát riêng, Sapporo hiện chiếm 10% thị phần tại các kênh nhà hàng – khách sạn ở khu vực trung tâm TP.HCM. Trong năm 2016 chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tăng con số này lên gấp đôi. Sapporo cũng đang thực hiện từng bước nâng tổng số điểm bán từ 4.000 hiện nay lên 7.000, mở rộng từ TP.HCM, Hà Nội hiện nay ra Đà Nẵng, Nha Trang…
Việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn sẽ là tiền đề để các thương hiệu bia ngoại có cơ hội phát triển kinh doanh tại thị trường được đánh giá là có tiềm năng lớn trong lĩnh vực đồ uống có cồn. Chưa kể đâu xa, những hãng bia hùng mạnh trong khu vực như Thái Lan cũng đang chuẩn bị tiến vào thị trường. Sapporo có cảm thấy lo ngại?
Gia nhập TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn và mạnh mẽ hơn cho Việt Nam. Khi đó, mức sống và thu nhập của người dân sẽ được cải thiện. Điều này kéo theo dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng trong phân khúc bia cao cấp sẽ tăng lên, mang lại sự tăng trưởng cho các sản phẩm bia trong phân khúc này.
Song song đó, các dòng bia cao cấp khác sẽ có cơ hội được được nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản…
Mặc dù vậy, trong quan điểm của tôi, thách thức đi kèm với cơ hội.
Chuyển động này sẽ tạo ra sự phong phú cho thị trường và góp phần thúc đẩy cho thị trường cao cấp trong nước phát triển. Dù rằng khi đó sự cạnh tranh trong phân khúc cao cấp sẽ tăng lên, nhưng cũng có nghĩa là thị trường sẽ được mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn, giúp thị phần của phân khúc cao cấp sẽ được nâng cao hơn trong tổng thị trường bia Việt Nam.
Như vậy, trong quan điểm của ông, thị trường bia vẫn còn rất nhiều “đất”, đủ cho các hãng bia tiếp tục phát triển?
Tại Việt Nam, thị trường bia trong 5 năm, 10 năm trước tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên trong vài năm sắp tới, tốc độ tăng trưởng có thể ổn định hơn, theo tôi ở mức 7-8% mỗi năm.
Trong 5 năm tới, GDP dự báo sẽ có mức tăng khoảng 6.5 – 7%/năm. Tầng lớp trung lưu sẽ tăng lên khoảng 40 triệu vào năm 2020. Đây là một trong những yếu tố giúp khẳng định phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng là một trong những yếu tố giúp khẳng định phân khúc bia cao cấp sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Thời gian gần đây, thị trường có những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt ở phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp. Theo số liệu dự báo, 2 phân khúc này sẽ tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2020 so với 55% hiện nay.
Một số doanh nghiệp bia ngoại chọn cách mở rộng thị trường bằng cách mua lại các doanh nghiệp bia nội? Sapporo Việt Nam có dự tính chiến lược tương tự?
Trong chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam, Sapporo Việt Nam chúng tôi đưa ra sứ mệnh riêng cho mình là “Góp phần làm phong phú nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam” và hiện đang nỗ lực xây dựng nền tảng cũng như tăng tốc phát triển để thực hiện sứ mệnh ấy.
Hiện nay chúng tôi không quan tâm đến việc mua cổ phần của các doanh nghiệp bia nội.
Theo Trí Thức Trẻ.