Sợi mì ramen nóng hổi, cay nồng và nước súp đậm đà đã trở thành món ăn Nhật Bản được lòng nhiều người. Tại thủ đô Tokyo, hàng dài người xếp hàng quanh quán, chờ một giờ đồng hồ để được thưởng thức món ramen là điều bình thường. Dù chỉ là một quán nhỏ, nhưng một bát ramen nóng hổi hiếm khi làm ai thất vọng.
Món ăn này thường được nấu trực tiếp trước mắt khách hàng, tại các quầy bar mang nét cổ kính. Giá của một bát ramen từ khoảng 1.000 yên (6,5 USD), và có rất nhiều hương vị cũng như phiên bản địa phương khác nhau. Có ramen vị mặn, được chế biến với “shoyu” (tương đậu nành) hoặc “miso” (tương đậu). Hoặc ramen cay đỏ nóng với chút ớt. Đôi khi không có nước súp mà chỉ có nước sốt để chấm mì.
Sợi mì ramen xoăn và nhẹ hơn so với “soba” (mì kiều mạch) hoặc “udon” (mì dày và phẳng) có màu sắc tối hơn. Ramen cũng đã trở nên phổ biến ở Mỹ, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo công ty theo dõi doanh số NielsenIQ, doanh số bán lẻ ramen tại Mỹ đã tăng 72% kể từ năm 2000. Trong vòng 52 tuần kết thúc vào ngày 13/4, người Mỹ đã chi tiêu hơn 1,6 tỉ USD để mua ramen.
Các nhà hàng ngày càng sáng tạo và giới thiệu những phiên bản ramen độc đáo, vượt ra ngoài sự truyền thống, theo công ty nghiên cứu và tư vấn cho ngành công nghiệp nhà hàng Technomic. Ví dụ, chuỗi cửa hàng đồ ăn Mexico Del Taco gần đây đã giới thiệu món Shredded Beef Birria Ramen.
Ngoài ra, còn có loại ramen đóng gói sẵn, dễ dàng nấu bằng nước nóng tại nhà, được gọi là mì ăn liền. Loại mì này đã trở thành huyền thoại tại Nhật Bản sau khi ông Momofuku Ando phát minh ra nó vào năm 1958, trong một kho sân sau, khi thực phẩm vẫn còn khan hiếm. Sau đó, ông thành lập tập đoàn thực phẩm Nissin Foods.
Mặc dù tiện lợi, mì ăn liền không thể so sánh với ramen được phục vụ tại các nhà hàng chuyên nghiệp. Một số người Nhật Bản thường xuyên đến quán ramen hai hoặc ba lần mỗi tuần, để thưởng thức món ăn này và trải nghiệm niềm vui tột đỉnh. Anh Frank Striegl, một người Mỹ gốc Philippines lớn lên ở Tokyo, khi dẫn dắt một nhóm du khách Mỹ đi qua các con hẻm nhỏ của khu phố Shibuya, đã miêu tả ramen như một “trải nghiệm tối thượng”.
Du khách được dẫn qua một cánh cửa cũ kỹ, đôi khi đi qua những bậc thang hẹp, để đến một bàn nhỏ, trong ánh đèn mờ, nơi ramen được phục vụ trong những bát nhỏ, gần như kích thước của một tách latte hoặc khoảng 1/4 bát ramen thông thường. Điều này để du khách có đủ không gian để thử sáu loại ramen khác nhau, hai món tại mỗi điểm dừng trong chuyến đi.
Một nhà hàng, Shinbusakiya, cung cấp “đặc sản Hokkaido” từ hòn đảo chính phía Bắc, trong khi nhà hàng Nagi lại mang đến “sự pha trộn Fukuoka” từ hòn đảo chính phía Nam Kyushu. Đặc biệt, có cả ramen xanh, tương tự pasta al pesto. Nhà hàng Syuuichi, có nghĩa là “một lần một tuần”, lại mang đến hương vị cà ri cho món ramen.
Trong khi du khách thưởng thức mì ramen ngon lành, anh Striegl kể cho họ nghe về lịch sử của ramen: Nguồn gốc của món ăn này bắt đầu từ thời samurai, khi một shogun yêu thích mì Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc hành trình của ramen từ đất nước láng giềng sang Nhật Bản và vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
Mặc dù ramen chưa bao giờ phổ biến hơn ở Nhật Bản, các quán ramen đã gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng yên Nhật yếu hơn, chi phí nhập khẩu lúa mì và năng lượng tăng cao, theo một nghiên cứu của Tokyo Shoko Research.
Nhưng đại dịch đã mang lại một lợi ích không ngờ cho gành dịch vụ giao hàng tận nhà của ramen đông lạnh và nấu chuyên nghiệp. Takumen.com, nền tảng giao hàng nổi tiếng, đã thu hút khoảng 500.000 người đăng ký tại Nhật Bản.
Một doanh nghiệp khác ở Tokyo, Gourmet Innovation, đã ký hợp đồng với 250 quán ramen hàng đầu của đất nước để bán phiên bản đóng gói của súp, sợi mì và nhân, để hâm nóng trong nước sôi và phục vụ tại nhà. Ông Kenichi Nomaguchi, đồng sáng lập Gourmet Innovation, hy vọng sẽ mở rộng doanh nghiệp ra nước ngoài và cho biết ramen cùng với hoạt hình là những mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Nhật Bản.
Mì ramen phiên bản đóng gói. Ảnh: AP. |
Vậy tại sao ramen lại được chọn? Theo ông Nomaguchi, không giống như pasta hay cà ri, ramen khó để thực hiện tại nhà. Quá trình chuẩn bị từ đầu đòi hỏi hàng giờ để nấu nước dùng đậm đà, từ thịt heo, thịt bò hoặc thịt gà, các loại cá tươi hoặc cá bào, và rong biển “kombu”. Một số loại nước dùng còn sử dụng hàu để tạo hương vị đặc biệt.
Để tăng thêm hương vị, có thể thêm hành, tỏi bào, gừng hoặc dầu mè. Trong phần nhân, có thể bao gồm giá đỗ, thịt heo nướng, trứng luộc hoặc trứng sống, rong biển, măng chua gọi là “menma”, hành lá băm nhỏ, cải bắp nấu chín, đậu tuyết hoặc ngô. Và một số người tin rằng một bát ramen chỉ thực sự hoàn chỉnh khi có một lát narutomaki, miếng cá trắng với họa tiết xoắn ốc màu hồng.
Ngoài ra, có những loại ramen độc đáo khác như ramen cà phê và ramen kèm kem hoặc dứa, đem lại trải nghiệm mới lạ cho thực khách.
Chẳng hạn như ramen kiểu Jiro, được đặt theo tên của một nhà hàng huyền thoại ở Tokyo, có lớp rau to, thịt heo nướng lớn như bít tết và tỏi bào đậm đà trong nước dùng thịt heo béo ngậy.