Về thăm “cái nôi giá trị cốt lõi thương hiệu Bia Sài Gòn”

Về thăm “cái nôi giá trị cốt lõi thương hiệu Bia Sài Gòn”Về thăm “cái nôi giá trị cốt lõi thương hiệu Bia Sài Gòn”

Về thăm “cái nôi giá trị cốt lõi thương hiệu Bia Sài Gòn”

Trong thế giới đồ uống ngày nay, mỗi khi nhắc tới cái tên Bia Sài Gòn, người ta sẽ nghĩ ngay đến đó là thương hiệu bia số 1 Việt Nam, xếp hạng 21 thế giới, đã có mặt ở gần 30 quốc gia trên toàn cầu, hàng năm tiêu thụ hàng tỷ lít bia… Những con số ấn tượng đó đã đủ nói lên tất cả tầm cỡ của thương hiệu này. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, cái nôi hình thành nên sự thành công của Bia Sài Gòn chính là từ một nhà máy nhỏ nằm giữa lòng thành phố mang tên Bác.

Từ đây, nhiều người con ưu tú của Bia Sài Gòn đã mang tài năng, tâm huyết của mình đi dựng xây những nhà máy mới hiện đại, quy mô quốc tế. Họ cũng mang những giá trị cốt lõi của thương hiệu, truyền thống của Bia Sài Gòn đến với mọi miền đất nước và vươn ra thế giới. Nơi đây đã đào tạo nên rất nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty qua các thời kỳ như Tổng giám đốc, giám đốc các công ty, nhà máy thành viên… “Cái nôi” mà chúng tôi đang nói đến chính là Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh. 

alt

Ông Nguyễn Ngọc Kim – Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự, Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh.

Lật giở lại những trang sử của Bia Sài Gòn, thì nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh ở số 187 Nguyễn Chí Thanh ngày nay là “di tích” gắn bó mật thiết nhất đến lịch sử 140 năm hình thành và phát triển của thương hiệu. Nhà máy được xây dựng trên chính nền đất xưa của xưởng bia nhỏ do ông Victor Larue, một người Pháp lập ra vào năm 1875. Ba mươi lăm năm sau, năm 1910, xưởng phát triển thành một nhà máy hoàn chỉnh, sản xuất bia, nước ngọt và nước đá. Tháng 9/1927, Nhà máy được chính thức sáp nhập vào hệ thống hãng BGI của Pháp, và 50 năm sau (năm 1977), được Công ty Rượu Bia miền Nam quản lý. Từ đó, Nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn, chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ là đơn vị quốc doanh hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung của nền kinh tế XHCN. Và cũng chính từ “đại bản doanh” đầu tiên này, mà hệ thống các nhà máy ngày càng hiện đại hơn của Bia Sài Gòn lan tỏa đi khắp mọi miền đất nước. 

alt

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh.

Nếu đã thực sự yêu mến Bia Sài Gòn, đã có dịp tham quan nhiều nhà máy của Tổng công ty, thì chắc hẳn quý vị cũng chia sẻ cảm nhận với chúng tôi: Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh với đặc trưng nằm trong nội đô, được xây dựng từ rất lâu, nên không thể có vẻ ngoài hiện đại, rộng rãi như các nhà máy mới. Tuy nhiên, vẻ cổ điển lâu năm bên ngoài không phản ánh những gì thể hiện bên trong. Đó là dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới cùng với đội ngũ cán bộ, công nhân tài năng, chuyên nghiệp. Sau 140 năm thành lập và 40 năm tiếp quản đến nay, sản lượng bia từ con số 20 triệu lít năm 1945 tăng lên đến 244 triệu lít năm 2007. Đến năm 2015, sản lượng điều chỉnh giảm còn 120 triệu lít. Thoạt nhìn sự thay đổi trên, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến sự  “tăng trưởng âm”. Tuy nhiên, đó là một sự điều chỉnh “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – hướng tới chất lượng, chuyên sâu, bảo vệ môi trường. Từ sự điều chỉnh này, Nhà máy thực hiện các dự án xử lý chất thải, đầu tư chiều sâu, cải tạo máy móc, kỹ thuật công nghệ hiện đại, tổ chức sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

alt

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh.

Cùng với sự phát triển chung của Tổng công ty, Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh cũng góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường cho thương hiệu Bia Sài Gòn. Từ chỗ trước năm 1977 chỉ có 2 loại bia chai 33 Export và “bia Con cọp”, đến nay đã phát triển lên 5 nhãn hiệu: Saigon Lager, Saigon Export, 333, Saigon Special và Saigon Gold. Các sản phẩm từ chỗ tiêu thụ chủ yếu ở khu vực phía Nam, nay đã có mặt khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Trước năm 2008, số lượng CBCNV làm việc tại nhà máy trên 1.000 người. Năm  2008, Tổng Công thực hiện tái cấu trúc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, tách Nhà máy thành đơn vị hạch toán phụ thuộc, số lượng giảm còn 369 lao động, đến năm 2015 chỉ còn 215 người. Nhưng chúng tôi biết có một sự thật rất đáng tự hào đằng sau những con số nhìn có vẻ “giảm sút” đó là: Rất nhiều cán bộ tài năng trưởng thành từ đây đã ra đi đến những nhà máy mới thuộc Tổng công ty, góp sức xây dựng những công trình mới, lan tỏa thương hiệu Bia Sài Gòn đến những miền đất mới. Một điển hình trong số đó là Nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi, đây là nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, là niềm tự hào của Bia Sài Gòn. Ở đây, có tới 90% CBCNV từng là những cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm, được trưởng thành từ Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh. Bản thân giám đốc Nguyễn Thị Diệu Hồng của Nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi cũng là một trong số đó. Họ đều là những cán bộ có thâm niên  hai ba chục năm gắn bó tại “cái nôi” của Bia Sài Gòn.

alt

Bà Thái Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Nhà máy.

Về thăm Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi may mắn được gặp bà Thái Thị Hồng – Phó giám đốc Nhà máy, một người đã có 36 năm gắn bó với nơi đây. Từ khi còn là một cô sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường năm 1980, đến nay đầu đã hai thứ tóc, bà Hồng vẫn luôn là người của Bia Sài Gòn. Thuở ấy, cả nhà máy chỉ sản xuất được khoảng 60 triệu lít bia/ năm, đến nay, con số ấy đã tăng gấp hơn 20 lần. Nhưng đó chưa phải là điều bà Hồng tâm đắc nhất. Với bà, sự tự hào lớn nhất khi được là một người con của Bia Sài Gòn, được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của Tổng công ty. Các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc truyền thống ấy, để có được một bề dày lịch sử đáng tự hào như ngày nay. Mong ước của bà Hồng, cũng như rất nhiều CBCNV là sẽ có Bảo tàng Bia Sài Gòn, lưu giữ lại tất cả những tư liệu, hình ảnh của Tổng công ty, để nét văn hóa đó mãi được lưu truyền cho các thế hệ sau. Đó cũng là định hướng chung của Ban lãnh đạo, khi thời gian qua, rất nhiều cán bộ trẻ được đào tạo, chuẩn bị cho quá trình chuyển giao. Bà Hồng tâm sự rằng, bà luôn đặt niềm tin vào lớp trẻ sẽ tiếp thu tinh hoa từ truyền thống, kết hợp với sức mạnh tri thức, công nghệ hiện đại, đưa con tàu Bia Sài Gòn vươn xa hơn nữa.

alt

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh.

Cũng là người có thâm niên 36 năm miệt mài cống hiến cho Bia Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Kim – Chủ tịch Công đoàn Nhà máy hiểu rất rõ về quá trình phát triển từ thời bao cấp khó khăn cho tới ngày hôm nay. Trong quá trình làm việc tại Nhà máy, điều ấn tượng nhất với ông chính là nét văn hóa người lao động của Bia Sài Gòn: nói ít làm nhiều, kỷ luật và trách nhiệm. Nhớ lại một thời gian khó, ông Kim cho biết: “Trong thời bao cấp lúc đó, máy móc cũ kỹ, lạc hậu mà vẫn duy trì được hoạt động của Nhà máy, đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể CBCNV. Đến năm 1986 mới có chủ trương mở cửa nhưng để thực sự có được dây chuyền sản xuất mới thì phải đến đầu những năm 1990, Nhà máy mới nhập được các thiết bị đồng bộ, để ổn định chất lượng và sản lượng. Tập thể lãnh đạo và CBCNV luôn coi Nhà máy là ngôi nhà thứ hai của mình, cùng chung vai góp sức để dựng xây”.


Cũng chính bởi sự tâm huyết với Nhà máy như thế, mà các CBCNV đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí. Từ năm 2009 đến 2014, CBCNV Nhà máy đã đóng góp 75 đề tài, sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Tổng công ty công nhận và áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, giá trị làm lợi trên 129,58 tỷ đồng. Một số đề tài, sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến như: “Thiết kế – Sản xuất sản phẩm mới Bia lon Sài Gòn Special”, áp dụng từ cuối năm 2012. Sáng kiến tạo ra sản phẩm mới mang tính đột phá, có giá trị thương mại cao, giá trị làm lợi là 98,25 tỷ đồng. Bên cạnh đó là Sáng kiến “Thu hồi triệt để men thải tại khu vực lên men kết hợp với phin lọc cát giảm thiểu chỉ số ô nhiễm nước thải và điều hòa lưu lượng nước thải bằng các tank nằm ngang tại khu vực G4”; Sáng kiến “Xử lý nước thủy cục nhiễm mặn bằng công nghệ Anion- Cation và công nghệ RO đạt tiêu chuẩn nước nấu bia”; Sáng kiến “Kiểm soát việc thất thoát và thu hồi tốt lượng khí CO2 xả từ 18 TOD mới + 7 TOD cũ + TBF thải ra gây ô nhiễm môi trường và dùng khí CO2 thu hồi để giảm độ pH nguồn nước thải đầu vào hệ thống xử lý nước thải”… Tất cả không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà cón có ý nghĩa lớn với việc bảo vệ môi trường.


Xin được đưa ra thông điệp của Nhà máy để làm lời kết cho bài viết này: “Tiếp tục phát huy sức mạnh sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, góp phần tôn vinh truyền thống Nhà máy. Xứng đáng là cái nôi giá trị cốt lõi  thương hiệu Bia Sài Gòn của người Việt Nam. Là bảo tàng gìn giữ giá trị truyền thống và kế thừa cội nguồn lịch sử cho các thế hệ. Là Nhà máy Xanh –  Sạch – Đẹp, thể hiện văn minh Bia Sài Gòn giữa lòng thành phố công nghiệp hiện đại”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.