Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào ?Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào ?
Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào ?
Với tựa đề “Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?,” chuyên gia Pavel Vinogradov, Tổng biên tập tạp chí Thế giới đa cực (Nga) đã đưa ra một số đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.
Tác giả cho biết mặc dù năm 2014 vẫn chưa kết thúc, song giới chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tiến hành đánh giá kết quả nền kinh tế thế giới cũng như các quốc gia trong năm 2014, một năm được coi là khủng hoảng.
Nhìn chung, bức tranh kinh tế thế giới năm nay kém khởi sắc hơn một số năm trước đây, khi ngay cả khu vực châu Á vốn được coi là đầu tàu tăng trưởng thế giới cũng không giữ được mức tăng trưởng cao như cách đây 5-6 năm.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt xấp xỉ 7% thay vì 10% như truyền thống. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng không trông đợi các chỉ số tăng trưởng kỷ lục từng đạt được.
Các chuyên gia nhấn mạnh trong số các “con hổ châu Á” cả cũ lẫn mới, Việt Nam đang thu hút được sự chú ý như một điển hình tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi giữ được tăng trưởng ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam với 90 triệu dân số đang nằm trong danh sách 10 quốc gia phát triển năng động nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây liên tục đạt trung bình 7-8% và chỉ đứng sau Trung Quốc.
Việt Nam, một đất nước cách đây ít lâu còn phải đối mặt với nạn đói thì hiện nay không những đã giải quyết xong vấn đề lương thực, mà còn bước ra vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo với 65 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, thu nhập tính theo đầu người từ mức 128 USD/người năm 1995 đã tăng lên 1200 USD/người vào năm 2014. Lạm phát trong 5 năm liên tiếp được khống chế dưới 4%, mức thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khối lượng thu hút đầu tư nước ngoài năm 2014 đạt 65 tỷ USD.
Hiện nay, các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu. Nhiều nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang tích cực đưa sản xuất đến Việt Nam vì giá nhân công rẻ và môi trường chính trị ổn định.
Việt Nam là một trong những quốc gia có giá nhân công rẻ nhất châu Á, với 101 USD/người/tháng so với 237 USD ở Trung Quốc và 257 USD ở Thái Lan. Các lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Việt Nam là khai thác và chế biến dầu khí, chế tạo máy và sản xuất đồ điện tử.
Trong đó, riêng lĩnh vực công nghệ thông tin có tốc độ phát triển 16%/năm, đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2013, Đài Loan đã chi 12 tỷ USD để đưa nhà máy sản xuất máy tính lớn đến Việt Nam.
Mới đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về mức độ hấp dẫn đối với các nhà doanh nghiệp Mỹ.
Cơ quan này nhấn mạnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt sau từng năm, sau khi Việt Nam tiến hành cải cách các lĩnh vực thuế, pháp luật hải quan, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hiểm. Các chuyên gia cho rằng chính những yếu tố này đã nâng cao sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế.
Trong bản báo cáo gần đây, Moody’s nâng mức xếp hạng trái phiếu không bảo đảm của Việt Nam từ mức B2 lên B1. Tiếp sau đó hãng Fitch Rating tuyên bố dự định nâng chỉ số tín nhiệm của Việt Nam từ mức B+ lên BB+ vì nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét và giảm thiểu rủi ro.
Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi khủng hoảng thì bức tranh kinh tế của Việt Nam cũng gồm không chỉ toàn màu sáng. Khi đã tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam phải đối mặt với tất cả các hệ luỵ tiêu cực mà quá trình này mang lại, cũng như phải đáp trả các thách thức kinh tế-tài chính mang tính toàn cầu.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là lệ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn chiếm tới 70% tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó một số doanh nghiệp do gặp khó khăn đã rời khỏi thị trường. Năm 2014 có gần 50 nghìn doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản, tăng 13,8% so với năm 2013.
Thứ hai, cơ cấu nền kinh tế còn lạc hậu, nền công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu thiên về gia công, hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp. Nông nghiệp mặc dù là chủ lực song vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và manh mún, năng suất lao động và giá trị gia tăng trong lĩnh vực này không cao so với mặt bằng chung thế giới. Cơ cấu các thành phần kinh tế chưa hợp lý, không phát huy được tiềm năng của khu vực tư nhân.
Trong chuyến thăm châu Âu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được một số thoả thuận quan trọng. Theo đó đến năm 2020 EU sẽ cấp cho Việt Nam 400 triệu euro hỗ trợ phát triển các lĩnh vực năng lượng, nâng cao chất lượng quản lý và củng cố nhà nước pháp quyền. Hai bên cũng ký chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam giai đoạn 2014-2020.
Trong các dự báo về triển vọng kinh tế, các tổ chức quốc tế như WB, ADB, HSBC, S&P, Moody’s, Ernst&Young dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ở mức 5,4-5,6%, đạt mức 6% trong năm 2015 và tăng lên 6-7% trong giai đoạn 2016-2017.