Trong thời đại kinh tế tuần hoàn chiếm vị thế quyết định, làn sóng chuyển đổi xanh bùng nổ trên thế giới. Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam cũng bắt nhịp bằng xu hướng “xanh hoá” bao bì như một sự chuyển dịch tất yếu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp phát triển bền vững
Quá trình phát triển kinh tế thiếu bền vững qua nhiều thế kỷ đã tạo nên gánh nặng cho xã hội bởi sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cùng với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khí hậu ngày càng biến đổi xấu làm con người phải đối mặt với thiên tai khốc liệt hơn. Nhận thức được điều này, các quốc gia đã bắt đầu thay đổi chiến lược phát triển kinh tế, hướng tới nền kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng không ngoại lệ, các doanh nghiệp luôn tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế thực hiện các hoạt động với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, giảm thiểu và loại bỏ những tác động tiêu cực của sản phẩm đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn áp dụng vào chuỗi sản xuất và phân phối, từ thiết kế đầu vào đến khi ra thành phẩm, dịch vụ. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, không chỉ ứng dụng công nghệ xanh mà các nguồn nguyên liệu cũng có thể “tái sinh”, tái chế. Đây là giải pháp giúp nền kinh tế phát triển bền vững và tạo cơ hội phục hồi môi trường tự nhiên.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), nhiều quy định đặt ra để thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng cũng như công nghệ sản xuất trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế – xã hội, nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Điều này tạo nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành đồ uống.
Ngành đồ uống Việt nam hướng tới “xanh hoá” bao bì sản phẩm
Số liệu thống kê ước tính, trên thế giới có khoảng 78 triệu tấn bao bì chất liệu nhựa được sản xuất mỗi năm. Vòng đời các sản phẩm bao bì sẽ kết thúc tại bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác thải rắn, có khi sẽ trôi nổi trên đại dương, khó phân huỷ dù qua hàng thế kỷ. Chỉ khoảng 9% trong tổng số bao bì nhựa được tái chế sử dụng lại. Chính điều này tác động xấu tới môi trường sống, gây hại cho sức khoẻ con người và góp phần làm biến đổi khí hậu.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng đã dần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, có xu hướng ưa chuộng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường. Công ty tư vấn Nielsen cho rằng, 86% người tiêu dùng Việt Nam sẽ sẵn sàng chi thêm tiền để mua các sản phẩm đồ uống có bao bì “tự huỷ sinh học” hoặc tái chế được.
Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang tích cực thay đổi chiến lược sản xuất nhằm hạn chế các loại rác thải nhựa từ bao bì sản phẩm. Đó không chỉ là nỗ lực để phát triển bền vững mà còn giúp tăng cơ hội để các doanh nghiệp đồ uống tiếp cận thị trường quốc tế. Bởi sản xuất xanh – bao bì thân thiện môi trường là một trong những yêu cầu bắt buộc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay EU…
Ngành đồ uống Việt Nam bắt tay vào thực hiện các hoạt động tuyên truyền, ứng dụng sản xuất bao bì xanh. Điển hình nhất là Hội thảo “Giải pháp bao bì bền vững – mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn” được tổ chức vào tháng 4/2023 bởi Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE). Hay trong Hội nghị Phát triển bền vững 2023 “Con đường màu xanh” nhằm thảo luận triển khai các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho việc tái chế, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa phát sinh rác thải xấu. Các loại vỏ bao bì nhựa dần chuyển đổi sang nguyên vật liệu dễ tái chế hoặc “tự huỷ sinh học”. Một số bao bì xanh điển hình như túi vải hữu cơ, túi giấy, hộp giấy, túi cói, hộp tre, hộp nhựa PP, … Phương án sử dụng ống hút giấy, ống hút bột gạo, ống hút tre hay ống hút kim loại cũng được phổ biến nhiều hơn.
Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, các thành viên gồm 14 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ tái chế 100% bao bì sản phẩm, nhằm loại bỏ rác thải vào môi trường. Đặc biệt là các sản phẩm như chai nhựa, hộp nhựa,… sẽ được thu gom để tái chế thành hạt nhựa, tái sản xuất thành bao bì mới. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trên 70% vỏ lon nhôm tại Việt Nam đã và đang được thu gom để tái chế sử dụng lại, là vật liệu tuần hoàn cao nhất trong các quy trình đóng gói bền vững.
Các doanh nghiệp tiên phong thực hiện “xanh hoá” bao bì
Để phát triển bền vững, ngành đồ uống Việt Nam đã nhanh chóng nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, định hướng kinh tế tuần hoàn ở tầm chiến lược. Không chỉ đầu tư công nghệ, giải pháp xanh, hệ thống nhà máy sản xuất giảm khí thải carbon, mà còn phải chuyển đổi sản xuất bao bì xanh. Các nguyên liệu đầu vào đều phải thân thiện với môi trường, đồng thời có thể thu gom, tái chế bao bì dễ dàng.
Một số doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đi đầu trong việc “xanh hoá” bao bì sản phẩm, có thể kể đến như Vinamilk, Nestlé Việt Nam, Sabeco, Heineken Việt Nam,…
Tất cả cửa hàng Vinamilk tại Việt Nam đều sử dụng bao bì phân hủy sinh học, túi bằng nhựa tái chế, túi vải organic. Đồng thời, để cắt giảm tối đa các loại ống hút nhựa, muỗng nhựa, hầu hết sản phẩm của Vinamilk đều thiết kế bao bì có thể mở ra để uống trực tiếp. Doanh nghiệp cũng thực hiện loại bỏ lớp nhãn bằng nhựa bọc bên ngoài nắp chai nước ICY.
Nestlé Việt Nam là tập đoàn tiên phong trong ngành đồ uống đã áp dụng ống hút giấy cho sản phẩm sữa Nestlé Milo. Doanh nghiệp luôn cải tiến thiết kế sản phẩm để hạn chế phần bao bì không cần thiết, đồng thời sử dụng nguyên liệu tự huỷ sinh học hoặc có thể tái chế, tái sử dụng. Với các giải pháp chiến lược này, trong năm 2021 – 2022, doanh nghiệp đã giảm khoảng 2.500 tấn bao bì từ nhựa. Tập đoàn Nestlé Việt Nam cam kết: “Đến năm 2025, 100 % bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng”.
Công ty nước khoáng thiên nhiên La Vie cũng có nhiều nỗ lực chuyển đổi bao bì xanh. Năm 2019, La Vie thay đổi vỏ chai nước từ màu xanh dương nhạt thành màu trắng để dễ tái chế. Tiếp theo đó, công ty đầu tư sản xuất các chai nước bằng thuỷ tinh, chai làm từ nhựa tái chế dùng cho thực phẩm (rPET). Doanh nghiệp đã thiết kế loại bình dung tích 19 lít có thể tái sử dụng nhiều lần. Các loại vỏ chai từ La Vie đều dễ dàng thu gom và tái chế sau khi sử dụng.
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã sớm áp dụng sản xuất bao bì bền vững cho hầu hết dòng sản phẩm. Doanh nghiệp sử dụng vỏ lon bia mỏng, nhẹ để tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, Sabeco tổ chức chương trình “Tái chế két bia”, thúc đẩy mạng lưới đối tác phân phối khắp cả nước cùng xử lý bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng.
Heineken Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng cách “xanh hoá” quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm. Không chỉ thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo, doanh nghiệp này còn chủ động sử dụng lại 100% chai bia và két. Heineken thiết kế lon bia nhôm mỏng, nhẹ, tối ưu hoá sản xuất để giảm nhiên liệu. Đồng thời, 100% lon bia nhôm cũng được tái chế tuần hoàn, tiết kiệm được lượng nhôm bằng khoảng 486 triệu lon mỗi năm.
Thông qua chiến dịch “xanh hoá” bao bì, ngành đồ uống Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực để hưởng ứng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm hướng tới phát triển bền vững ở tương lai. Ở phía ngược lại, Nhà nước cũng đang nỗ lực ban hành những chính sách thích hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.