Xuân về với cổ phiếu thực phẩm đồ uống

Sau đại dịch COVID -19, một mùa xuân đã tới với nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm đồ uống. Nhóm này được đánh giá là nơi trú ẩn trong thời kỳ bất ổn do môi trường lãi suất và lạm phát dâng cao…

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM cho mục tiêu trung hạn bởi chính sách cổ tức của ngành ổn định

Nơi trú ẩn an toàn

Do tính chất không theo chu kỳ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là phân khúc mà người tiêu dùng không thể cắt giảm ngân sách cho dù khó khăn. Do vậy, sản lượng bán hàng ổn định đã thúc đẩy tổng doanh thu của ngành này trong năm 2023 sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, những doanh nghiệp khổng lồ F&B với thị phần và thương hiệu mạnh cùng với lợi thế quy mô lớn sẽ duy trì được sản lượng bán hàng trong khi vẫn tối ưu hóa được chi phí.

Những doanh nghiệp lớn được xếp vào ngành F&B với thị phần và thương hiệu mạnh cùng với lợi thế quy mô lớn trên sàn niêm yết như VNM hay MSN sẽ có thể duy trì doanh số ổn định nhờ danh mục sản phẩm đa dạng cũng như mạng lưới phân phối rộng khắp tại Việt Nam. Hệ số P/E của ngành F&B của cả toàn cầu và nội địa đang dần phục hồi sau đại dịch. Dự phòng của cổ phiếu nhóm ngành F&B đã được điều chỉnh tăng nhờ kỳ vọng biên lợi nhuận cao hơn và tăng trưởng bền vững dài hạn trong thời gian tới.

Trên thị trường cổ phiếu nhóm này đã có diễn biến giá tốt hơn so với các cổ phiếu ngành hàng khác. Trong giai đoạn thị trường bất ổn do lãi suất và lạm phát dâng cao, nhóm cổ phiếu F&B còn được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, thể hiện qua giá cổ phiếu trụ vững hơn so với các cổ phiếu khác trong ngành.

Trên sàn chứng khoán những công ty lớn trong nhóm ngành thực phẩm đồ uống với chính sách cổ tức tiền mặt ổn định như VNM, SAB hay KDC có giá cổ phiếu vượt trội so với chỉ số VN-Index. Ngoại lệ, giá cổ phiếu MSN diễn biến ngược chiều do lo ngại về triển vọng của phân khúc phi tiêu dùng…

Nhóm cổ phiếu đầu ngành

Cổ phiếu VNM – Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk): Hiện VNM củng cố vị trí thị phần sữa lớn nhất Việt Nam nhờ thành công của các điều khoản thương mại mới thúc đẩy doanh số kênh truyền thống và phạm vi phủ sóng lớn trên toàn quốc.

Năm 2022 là năm tồi tệ nhất của VNM kể từ năm 2017 khi lợi nhuận sau thuế chạm đáy. Từ năm 2023 VNM sẽ lấy lại đà tăng trưởng,VNM là doanh nghiệp duy nhất trong rổ VN30 có chính sách cổ tức hấp dẫn. Nhà đầu tư dài hạn có thể mở mua mới quanh vùng giá 73.000-78.000 đồng giữ cho mục tiêu đầu tư trung hạn để hưởng chính sách cổ tức. Rủi ro, các nhà sản xuất sữa Trung Quốc tăng mua mạnh sữa bột nguyên liệu sau khi nới lỏng phong tỏa, hạn chế đà giảm của giá bột sữa nguyên liệu. Bên cạnh đó, các đối thủ khổng lồ của ngành sữa ráo riết đẩy mạnh khuyến mãi nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.

Cổ phiếu QNS – CTCP Đường Quảng Ngãi: Chi phí đầu vào (đậu nành) có xu hướng giảm, giúp hỗ trợ biên gộp mảng sữa đậu nành của QNS phục hồi. Năm 2023, dự báo sản lượng tiêu thụ đường sẽ tăng 24%, do đó lợi nhuận sau thuế từ mảng đường sẽ lần lượt đạt 2.464 tỷ đồng và 348 tỷ đồng. Nhìn chung, QNS có mức tăng trưởng thấp nhưng tạo ra dòng tiền mặt khá mạnh. Điều này cho phép công ty tiếp tục trả cổ tức cao. Do đó, QNS phù hợp với những nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu có cổ tức tiền mặt cao và ổn định. Ở mức giá hiện tại, tỷ suất cổ tức tiền mặt năm 2023 của QBS dự kiến là 8,3%.

Nhà đầu tư có thể mở mua mới, giá mục tiêu với cổ phiếu QNS là 40.400 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 11 lần đối với mảng sữa đậu nành và 6 lần đối với các mảng hoạt động khác.

Cổ phiếu MSN – Tập đoàn Masan: Từ năm 2022, MSN gia tăng vay nợ để tài trợ cho các kế hoạch kinh doanh như mua lại Nyobolt, tăng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long hay mở rộng chuỗi Winmart. Trong 9 tháng đầu năm, tổng nợ của MSN là 60.931 tỷ đồng (tương đương 2.487 tỷ USD), trong đó 20% là khoản vay bằng USD. Do đó, MSN cho rằng MSN sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao trong hai năm tới. Kết hợp của sự cải thiện yếu trong biên lợi nhuận và chi phí lãi vay cao của năm 2023, lợi nhuận của MSN dự kiến sẽ yếu trong 2023, nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương trở lại vào năm 2024.

Mặc dù có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhưng MSN sẽ không rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính nhờ năng lực tài chính vững mạnh. Tuy nhiên, các hệ số sinh lời trong ngắn hạn sẽ gặp nhiều khó khăn.Trong giai đoạn 2022-2023, kỳ vọng các mảng kinh doanh ngành tiêu dùng (MCH, MML & WCM) sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh doanh hợp nhất. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng sẽ cho thấy hiệu suất yếu do các chi phí không liên quan trực tiếp đến kinh doanh cốt lõi tăng mạnh.

Giá mục tiêu MSN 101.400 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể mua mới quanh vùng giá 98.000đ-99.000 đồng/cp với tổng mức sinh lời kỳ vọng là +4,5%.

Chỉ số ROA, ROE của nhòm ngành thực phẩm đồ uống

Cổ phiếu SAB – Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát SABECO: SAB đang tích cực thay đổi chiến lược marketing và quảng bá thương hiệu nhắm hướng về giới trẻ và phân khúc cận cao cấp (phân khúc được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian sắp tới) và bảo vệ thị phần phổ thông trước Heineken. SAB đang trải qua quá trình tối ưu hóa chi phí và tái cơ cấu sau khi được mua lại bởi Thaibev, đã được nhiều kết quả khả quan về lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế.

Do vậy, SAB vẫn còn những dư địa để có thể tiết giảm chi phí, tuy không nhiều. Sử dụng phương pháp DCF và P/E, ước tính giá trị hợp lý là 191.900 VND/cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư có thể mở mua mới  SAB tại vùng giá 175.000-179.000 đồng/cp  khuyến nghị GIỮ với mức tăng giá tiềm năng là 4%. Rủi ro đối với nhà đầu tư nắm giữ cổ phiểu SAB, sức tiêu thụ bị tác động tiêu cực do các quy định mới và nhận thức về sức khỏe, biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu và cạnh tranh gay gắt để tranh giành thị phần.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp